Tình trạng thời tiết cực đoan lũ quét, sạt lở đất đang xảy ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh Bắc Bộ do ảnh hưởng của mưa lớn, chính quyền các địa phương chỉ đạo ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông…
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Tại Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố đã tổ chức cuộc họp về công tác ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay mực nước trên các tuyến sông đều đang ở mức báo động. Cụ thể, mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Đáy đã vượt báo động III; mực nước các sông Nhuệ, sông Cà Lồ đang ở mức báo động II. Về mực nước sông Hồng, hồi 9h sáng 10/9, tại trạm thủy văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên) đang ở khoảng 9,2m và còn 30cm nữa thì đạt báo động 1. Với tốc độ hiện nay, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội có thể đạt báo động 1 vào trưa nay.
Theo Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương, trong 24 giờ tới, Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến trong khoảng từ 50 - 80mm, có nơi trên 100mm.
Mưa lớn kết hợp mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, bãi nổi ngoài đê với thời gian kéo dài, độ sâu ngập từ 0,5 - 1,0m, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê, vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Đáy, sông Cà Lồ.
Đặc biệt chú ý khu vực sông Hồng, sông Đuống nguy cơ cao ngập ven bờ bãi Phúc Xá (Ba Đình), bến đò Ngọc Lâm, 2 bên bờ cầu Long Biên, chân cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long, phía sau chợ Long Biên, khu vực Đình Chèm (Bắc Từ Liêm)…
Lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... rà soát nguồn cung thực phẩm để phục vụ người dân; sẵn sàng hàng hóa thiết yếu hỗ trợ cho người dân trong trường hợp bị ngập lụt, chia cắt do nước lũ…đảm bảo đời sống nhân dân.
Sáng 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát tình hình, kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại tỉnh Bắc Giang, một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, thiên tai. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn trên diện rộng, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước dâng cao trên các con sông lớn, nhiều nơi bị ngập lụt, cô lập, chia cắt nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại.
Lúc 18h ngày 9/9, mực nước trên sông Cầu tại Trạm thủy văn Đáp Cầu 5,53 m (trên báo động 2 là 0,23 m); nước trên sông Thương tại Trạm thủy văn Phủ Lạng Thương 6,11 m (trên báo động 2 là 0,81 m); trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,6 m (trên báo động 3 là 0,3 m).
Lúc 9h ngày 10/9, mực nước trên sông Cầu tại trạm Đáp Cầu là 6,17 m; dưới báo động 3 là 0,13 m. Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Cầu tại trạm Đáp Cầu ở mức trên báo động 3. Đỉnh lũ dự báo có khả năng xuất hiện vào chiều tối nay (10/9), mực nước dự báo 6,5 m (trên báo động 3 là 0,2 m).
Tại tỉnh Lào Cai, mưa lũ, ngập úng đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và Nhân dân. Mưa lũ làm 20 người chết, 11 người mất tích, 21 người bị thương; trên 4.000 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi...; nhiều diện tích lúa, ngô, rau màu, ao hồ... bị mất trắng; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, xã bị sạt ta luy dương, ta luy âm, ngập nước gây ách tắc giao thông.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 xã, 85 thôn đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở (huyện Bát Xát 12 xã ven sông Hồng, huyện Bảo Thắng 10 xã, huyện Bảo Yên 11 xã (43 thôn), huyện Bắc Hà 6 xã (35 thôn), huyện Văn Bàn 3 xã (5 thôn), huyện Si Ma Cai 2 xã (thị trấn Si Ma Cai, xã Bản Mế).
Ông Trịnh Xuân Trường Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai chỉ đạo các phương án khẩn cấp trong khắc phục hậu quả mưa lũ, đó là: khắc phục ngay hệ thống thông tin liên lạc; sớm thông các tuyến giao thông; tổ chức lực lượng tiếp cận vùng bị cô lập hỗ trợ người dân đến nơi an toàn...
Mức nước lũ ở Thái Nguyên vẫn đang vượt ngưỡng lịch sử, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, lũ trên sông Cầu đạt mức 2864 cm đo tại trạm thủy văn Gia Bẩy vào lúc 7h ngày 10/9 (đã giảm 17 cm so với đỉnh lũ), nhưng vẫn ở mức cao hơn 56 cm so với trận lũ lịch sử xảy ra vào ngày 05/7/2001 và cao hơn 164 cm so với Báo động cấp 3.
Dự báo trong 24 giờ tới, trên sông Cầu tại trạm thủy văn Gia Bẩy, lũ tiếp tục có xu thế giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Tại trạm thủy văn Chã lũ tiếp tục tăng và có khả năng đạt mức trên báo động cấp 3 vào chiều tối nay 10/9. Mực nước lũ trong sông lên cao, đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống của nhiều vùng dân cư sinh sống dọc theo hai bờ sông Cầu.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, các huyện, thành phố đang nỗ lực triển khai các biện pháp ứng phó “4 tại chỗ” với mưa, lũ; tổ chức trực 24/24 giờ; huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân trong vùng ngập lụt, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũ trên sông Thao tại Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà, Yên Bái đang lên; lũ trên sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.
Ngày và đêm 10/9, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc, Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2.0m.
Về thiệt hại, đã có 104 người chết, mất tích (65 người chết, 39 người mất tích) trong đợt mưa bão, lũ quét này. Một số địa phương có số người tử vong và mất tích nhiều như: Cao Bằng có 33 người tử vong và mất tích (17 người tử vong, 16 người mất tích); Lào Cai 30 người (19 người tử vong, 11 người mất tích); Quảng Ninh 9 người tử vong (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người); Phú Thọ 8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu...
Số người bị thương là 752 người , trong đó Quảng Ninh 536 người, Hải Phòng 81 người, Hải Dương 5 người, Hà Nội 10 người, Bắc Giang 5 người, Bắc Ninh 52 người, Lạng Sơn 10 người, Lào Cai 14 người, Yên Bái 10 người, Cao Bằng 12 người, Phú Thọ 5 người...
Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa có quyết định xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các Bộ Quốc phòng, Công an để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Theo đó, giao Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội thực hiện xuất cấp không thu tiền 200 tấn gạo dự trữ quốc gia nhập kho năm 2023 để giao cho Bộ Công an (Cục Trang bị và Kho vận - H03) 100 tấn và Bộ Quốc phòng (Tổng cục Hậu cần) 100 tấn tại kho cục Dự trữ nhà nước Từ Liêm, Hà Nội.Thời hạn hoàn thành việc giao, nhận gạo xong trước ngày 12/9..
Bảo An