Luật BVQLNTD (Bài 5): Khi doanh nghiệp đang "làm ngơ"!

Trước thực trạng đó, bên cạnh việc điều chỉnh luật pháp, chúng ta cần có cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử.

Cơ quan quản lý lúng túng, người tiêu dùng “ngại kiện” để tự bảo vệ quyền lợi

Theo nghiên cứu của chúng tôi, khuôn khổ, hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ. Các chế định bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Trong đó, có thể kể tới như Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT thay thế cho Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về TMĐT; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/01/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công thương quy định về quản lý website TMĐT và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công thương quy định về hoạt động quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động…

Trở lại với chủ đề chính, theo quan điểm của chúng tôi thời gian qua công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng, đánh giá một cách tổng quan vẫn gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định.

Vấn đề đáng chú ý đầu tiên là nhiều quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành trước thời điểm bùng nổ TMĐT tại Việt Nam, nên không còn phù hợp để điều chỉnh đối với vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT.

aria-grand-700x300px.jpg

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dù đơn khiếu nại tăng qua các năm nhưng đến nay vẫn có khoảng 54% số người từng bị xâm phạm quyền lợi chọn phương án im lặng. Có thể nói, nguyên nhân của tình trạng này là do người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ngại đấu tranh, ngại va chạm. Mặt khác, nếu người tiêu dùng khởi kiện để yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi thì người tiêu dùng phải thực hiện các thủ tục pháp lý phức tạp, vượt quá mức độ thiệt hại. Do vậy, người tiêu dùng thường bỏ qua khi quyền lợi bị xâm hại vì giá trị thiệt hại không đáng kể.

Thành lập cơ quan chuyên trách để bảo vệ người tiêu dùng

Trên cơ sở phân tích trên, theo chúng tôi để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT, việc trước mắt là chúng ta cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về mặt hình thức cũng như nội dung. Để làm việc đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan để từ đó loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu tính khả thi.

Tiếp đến, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật tới mọi đối tượng. Về việc này thì pháp luật cần có các quy định cụ thể về nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan nhà nước. Bởi khi việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đúng phương pháp, có hiệu quả thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT.

Bởi hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm được các quy định về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự, uy tín và quyền lợi của người tiêu dùng. Và nhiều doanh nghiệp chưa có biện pháp, hành động phù hợp khi thực hiện các giao dịch có phát sinh trao đổi thông tin về người tiêu dùng, tức là việc bảo mật thông tin về người tiêu dùng đã không được thực hiện đúng quy định.

Cần thành lập cơ quan chuyên trách để bảo vệ người tiêu dùng Cần thành lập cơ quan chuyên trách để bảo vệ người tiêu dùng

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn giúp người tiêu dùng nắm bắt được các quy định của pháp luật, từ đó có ý thức và động lực để để tự đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Đặc biệt, phải nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong giao dịch TMĐT là không quá 50.000.000 đồng. Theo chúng tôi, đây là mức xử phạt khá thấp so với giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra bởi thông thường, các giao dịch TMĐT có mức doanh thu và lợi nhuận rất lớn.

Do vậy, cần nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để đảm bảo tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh và phòng ngừa vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch điện .

Ngoài ra, để đảm bảo mức xử phạt mang tính ổn định và phù hợp với sự phát triển kinh tế trong thời gian dài mà không cần sửa đổi thì có thể quy định mức tiền phạt theo hướng tỉ lệ phần trăm dựa trên khoản lợi bất chính mà chủ thể vi phạm thu được hoặc có thể thu được từ hành vi vi phạm.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng theo chúng tôi cần phải thực hiện ngay là phải thành lập cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT.

Có thể nói, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT là lĩnh vực còn khá mới và thực tiễn cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước còn khá lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất có thể kể tới là các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, việc bổ sung nhân lực và đào tạo, nâng cao trình độc huyên môn cho hệ thống cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT là rất cần thiết.

Ngoài ra, cần có quy định về chế độ chuyên trách đối với cán bộ hoặc cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này để cán bộ hoặc cơ quan này có đủ “tầm” để gánh vác trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT ở nước ta hiện nay.

Tại Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự kiến được ban hành vào năm 2023 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng không chỉ dừng lại đối với nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn mở rộng sang đối với nền tảng trung gian trực tuyến. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng sẽ phải chịu thêm nhiều trách nhiệm đặc biệt là trong cung cấp hàng hoá, dịch vụ và bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình tiêu dùng, các thông tin khác do người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân đưa ra liên quan đến giao dịch.