Mở rộng điều tra khai thác trái phép đất hiếm

Bộ Công an vừa bắt nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cùng đồng phạm liên quan vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan.

Căn cứ kết quả mở rộng điều tra vụ án, ngày 22/7, C03 ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với năm bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong số năm bị can bị khởi tố, có ba bị can từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Bộ Tài nguyên và môi trường, Tổng cục địa chất và khoáng sản và Vụ Khoáng sản, gồm Nguyễn Linh Ngọc (nguyên Thứ trưởng), Nguyễn Văn Thuấn (nguyên Tổng cục trưởng), Hoàng Văn Khoa (nguyên Vụ trưởng). 

Hai bị can còn lạibcông tác tại Sở Tài nguyên và ôi trường tỉnh Yên Bái là giám đốc Hồ Đức Hợp và phó giám đốc Lê Công Tiến.

Hiện C03 đang tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra đối với các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; rà soát, xác minh, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Trước đó, tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Thái Dương - đơn vị khai thác mỏ đất hiếm tại tỉnh Yên Bái.

Đồng thời, 6 đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hai tội danh nêu trên, trong đó có hai bị can là chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Thái Dương và Công ty CP Đất hiếm Việt Nam.

Điều tra bước đầu xác định, Tập đoàn Thái Dương đã tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép khoảng 11.233 tấn quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và hơn 152.856 tấn quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có việc thỏa thuận giữa Tập đoàn Thái Dương với Công ty CP Đất hiếm Việt Nam – VTRE và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế. 

Những việc này đã giúp Tập đoàn Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỷ đồng thu được từ bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước trên 7,5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, ghi nhận một doanh nghiệp cũng có tên Công ty CP Đất hiếm Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất liên quan đến đất hiếm, chỉ khác mã số thuế, người đại diện pháp luật, thời điểm ra đời và tên viết tắt với Công ty VTRE.

Công ty này, ra đời năm 2009, hiện mang tên Công ty TNHH MTV Đất hiếm Việt Nam - VREX từ năm 2016 sau khi “thay ruột” cổ đông Công ty CP Đất hiếm Việt Nam ban đầu, đang “dắt lưng” một nhà máy chế biến và tinh luyện đất hiếm ở Bắc Ninh nhiều năm qua.

Từ năm 2020, VREX tiếp tục triển khai dự án nhà máy chế biến và tinh luyện đất hiếm – điều chỉnh mở rộng lần 2 tại tỉnh Bắc Ninh, sau khi dự án này tạm dừng sản xuất ba năm liên tiếp trước đó.

Dự kiến tiến độ dự án mở rộng đi vào hoạt động tháng 1/2024, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp khoảng 345 tỷ đồng.

Theo chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ 15 vào tháng 4/2023, cơ cấu Công ty TNHH MTV Đất hiếm Việt Nam – VREX gồm Shenghe Resources (Singapore) Pte., Ltd, do ông Wang Quangen làm giám đốc và Seidou co., Ltd do ông Wang Fengming làm giám đốc. 

Cả hai vị giám đốc này đều mang quốc tịch Trung Quốc. Tổng giám đốc của VREX là ông Zhao Yong Hang.

Trong đó, Senghe Resources Pet., Ltd góp khoảng 311 tỷ đồng, Seidou góp 34 tỷ đồng.

Nhận chứng nhận đầu tư năm 2009, dự án nhà máy chế biến và tinh luyện đất hiếm của Công ty TNHH MTV Đất hiếm Việt Nam triển khai trong KCN Thuận Thành 3, tỉnh Bắc Ninh do Công ty CP Khai Sơn làm chủ đầu tư. 

Dự án có mục tiêu sản xuất đất hiếm hỗn hợp với công suất 1.500 tấn sản phẩm/năm và đất hiếm đơn chất với công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm.

Với việc mở rộng theo đề xuất của chủ đầu tư, dự án sẽ nâng công suất lên 6.000 tấn/năm, trong đó đất hiếm đơn chất 3.500 tấn/năm và đất hiếm hỗn hợp là 2.500 tấn/năm.

Một thông tin liên quan, giai đoạn 2009 - 2011, Công ty CP Khai Sơn ký các hợp đồng cho thuê lại tổng cộng 3,9ha đất trong KCN Thuận Thành 3 với VREX thời hạn đến năm 2057.

Đáng chú ý, các công ty đến từ Nhật Bản như Sumikin Molycorp, Inc hay Chuo Denki Kogyo Go.,Ltd thanh toán hộ VREX khoảng 900.000USD trong tổng số hơn 1,4 triệu USD tiền thuê đất.

Thêm hai quặng đất hiếm vào danh mục dự trữ khoáng sản quốc gia