Mua thuốc tùy tiện tiếp tay cho thuốc giả tồn tại

Thói quen mua bán thuốc không cần hóa đơn, thậm chí không cần đơn của bác sĩ là điều kiện thuận lợi cho thuốc giả phát triển.

 

Hiện nay, hầu hết các thuốc đều có nguy cơ bị làm giả: Từ thực phẩm chức năng, thuốc bổ đến các thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng sinh, thuốc ung thư, thuốc kháng virus… Với công nghệ tinh vi, các thuốc giả này có thể được sản xuất với hình dáng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật mà bệnh nhân rất khó phát hiện.

Những người bị lừa mua thuốc giả thường là người sử dụng thuốc không phù hợp (tự ý dùng thuốc, mua thuốc không theo đơn) hoặc đang tìm mua thuốc với mức giá rẻ hoặc có chiết khấu.

Việc gia tăng truy cập internet cùng với các phương pháp mới trong sản xuất và phân phối dược phẩm bất hợp pháp đã tạo ra những thách thức cho những nhà quản lý dược trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng dược phẩm hợp pháp. Đã xuất hiện hàng ngàn trang web công khai bán thuốc không được chấp thuận, thuốc giả mạo cũng như bán thuốc kê đơn mà không yêu cầu kê đơn hợp lệ…

images2218124-001-6448.jpg

Bên cạnh đó, lợi dụng thông lệ quốc tế về việc lấy mẫu kiểm tra trước khi lưu hành chỉ áp dụng với các loại thuốc có nguy cơ cao, cần kiểm soát chặt về chất lượng như văcxin, huyết thanh chứa kháng thể, thuốc mới phát minh hoặc thuốc của các hãng sản xuất từng có những vi phạm về chất lượng, thì những loại thuốc thông thường được các nhóm làm thuốc giả tận dụng khai thác, đặc biệt là những loại không quá đắt tiền.

Tại Việt Nam, do đặc trưng hệ thống phân phối trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp, thuốc phải đi qua nhiều tầng nấc trung gian khiến chi phí phân phối bị tăng lên, khó truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thông tin về người mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ không được lưu giữ một cách thích hợp, việc thực hiện các quy định liên quan đến hoá đơn chứng từ trong mua bán thuốc tại các cơ sở còn chưa thật nghiêm túc, đặc biệt là phân phối thuốc tại các khu vực vùng sâu vùng xa trong khi đội ngũ cơ quan quản lý và giám sát chất lượng thuốc tại các tỉnh và thành phố vẫn còn chưa đủ sức bao phủ khiến cho việc phát hiện thuốc giả, thu hồi thuốc kém chất lượng càng trở nên khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy nơi tiêu thụ của thuốc giả phần lớn là ở các “chợ thuốc” bán sỉ. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mạng Internet, thay đổi xu hướng tiêu dùng sang hình thức mua hàng online cùng với nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân đối với các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cũng là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy sản phẩm thuốc giả tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Nga Phạm