Ngày dân số thế giới 11/7: Thế giới 8 tỷ người phải luôn có không gian cho các cơ hội

Giải quyết những khó khăn thách thức để hướng tới tương lai cho tất cả mọi người. Tăng chất lượng dân số bằng cách tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Kỷ niệm ngày Dân số Thế giới (11/7), UNFPA kêu gọi cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản. Trong một thế giới 8 tỷ người phải luôn có không gian cho các cơ hội.

Ngày 7/7, Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm ngày Dân số Thế giới (11/7) tại UBND quận Ba Đình.

Với chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai khác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”, UNFPA kêu gọi cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản.

Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức to lớn mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt và xây dựng một thế giới nơi sức khỏe, nhân phẩm và giáo dục là quyền và thực tế phải diễn ra, không phải là đặc quyền và những lời hứa suông. Trong một thế giới 8 tỷ người phải luôn có không gian cho các cơ hội.

dan-so-8-ty.jpgHà Nội tổ chức diễu hành kỷ niệm ngày Dân số thế giới

Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trước hết, chúng ta khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, giữ được quy mô dân số hợp lý và duy trì tổng tỷ suất sinh thay thế suốt hơn 10 năm qua. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và tỷ lệ chết ở người mẹ giảm mạnh, mức độ giảm đã vượt các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao, được quốc tế công nhận và đánh giá cao. Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015).

Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong hơn 60 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 73,7 (2020). Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ số tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.

Đặc biệt, thành công của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã góp phần đạt và về đích trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4).

Tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7/2022, Sở Y tế Hà Nội ban hành Kế hoạch số 2857/KH-CCDS ngày 29/6/2022. Theo đó Hà Nội tổ chức các hoạt động nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.

dan-so-8-ty1.jpgÔng Trần Văn Chung phát biểu tại lễ mít tinh

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch của Trung ương, Thành phố giao năm 2022. Về chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em giảm; Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện.

Ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo công tác dân số TP cho biết, năm 2021, công tác Dân số của Hà Nội đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch của Thành phố đề ra. Tỷ suất sinh toàn Thành phố năm 2021 giảm 0,92‰ giảm 0,25‰ so với năm 2020 (vượt chỉ tiêu giao), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đạt chỉ tiêu giao giảm 0,1% so với năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2021 đạt 85,07% (vượt chỉ tiêu được giao).

Tin liên quan