Hiện nay, nhiều người dân đang loay hoay với giấc mơ có nhà ở, song, thị trường lại tồn tại nhiều dự án bất động sản bỏ hoang...
Mới đây, cử tri tỉnh Long An đã phản ánh, hiện nay còn rất nhiều người dân có thu nhập thấp không có nhà ở, nhưng lại có nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang mà người có thu nhập thấp không thể tiếp cận được. Cử tri kiến nghị Trung ương tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này.
Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, từ năm 2015 đến nay, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân nói chung, các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội nói riêng, người dân có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương về kết quả phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có khoảng 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 573.992 căn.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ, đầy đủ, đủ sức điều chỉnh hầu hết các hoạt động về quản lý, phát triển nhà ở và nhà ở xã hội. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024 hệ thống này bao gồm 1 Luật, 6 Nghị định; 4 Thông tư, trong đó các văn bản liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 Quyết định phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách và 1 Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030.
Về phản ánh tình trạng có nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, Bộ cho hay, theo quy định của pháp luật, quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh bất động sản của dự án bất động sản phải tuân thủ nhiều hệ thống pháp luật, như pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản…
Còn quy định của pháp luật về đất đai, dự án bất động sản phải được triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng đất trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất. Quá thời hạn trên nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng thì chủ đầu tư dự án có thể bị thu hồi diện tích đất chủ đầu tư dự án đã nhận bàn giao để thực hiện dự án.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
“Do vậy, để hạn chế tình trạng có dự án bất động sản bỏ hoang, chậm triển khai… như phản ánh của cử tri tỉnh Long An, các địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh đối với các dự án bất động sản theo các quy định của pháp luật”, Bộ cho biết.