Người thu nhập thấp khó vay gói tín dụng nhà ở xã hội: Không phải "lỗi" của ngân hàng

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng Bộ Xây dựng và các địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở hay là nhu cầu thuê của những người có thu nhập thấp để đưa ra các giải pháp phù hợp...

Sáng 11/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, trả lời chất vấn về gói tín dụng cho vay công nhân và người thu nhập thấp theo chương trình nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, chương trình 1 triệu căn hộ đến năm 2030 là một chủ trương lớn rất nhân văn và đây là chủ trương giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp. Do đó, cần phải được huy động từ rất nhiều nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Để hưởng ứng chương trình này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33 là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120.000 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng.

Theo chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân và lãi suất giảm khoảng từ 1,5 - 2% so với mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối chủ đầu tư.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, giải ngân vốn này thấp do phụ thuộc vào các địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Thứ hai, khách hàng vay vốn phải đủ điều kiện đảm bảo vay vốn. Trong bối cảnh Covid-19 tác động và còn hệ lụy, những người có thu nhập thấp và công nhân lại càng gặp khó khăn để đi vay và sở hữu 1 căn nhà. Do đó, giai đoạn đầu triển khai chưa tăng giải ngân được, khi kinh tế bớt khó khăn thì sẽ tăng giải ngân này.

Thống đốc cho rằng, Bộ Xây dựng và các địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu nhà ở hay là nhu cầu thuê của những người có thu nhập thấp để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm 4 TPbank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.

Qua tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng Thông tin điện tử. Kết quả giải ngân đến nay có tổng dư nợ là 1.783 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp trong số các dự án đủ điều kiện vay, đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng.

Ngoài 15 dự án đã ký hợp đồng, có 68 dự án nhà ở xã hội còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.

Đối với người mua nhà, qua rà soát hiện nay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.

Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã có Công văn 4524/NHCS-TDSV ngày 1/8/2024 điều chỉnh mức lãi suất chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Theo đó “lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.

Cụ thể, mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm, áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua được vay vốn ưu đãi bằng 120% lãi suất cho vay “hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ” tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 7,92%/năm trong năm 2024 (tính theo công thức 6,6%/năm x 120% = 7,92%/năm) và người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi 6,6%/năm bằng với lãi suất cho vay “hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ” tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tin liên quan