Báo cáo kết quả đạt được trong hoạt động của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 95%, cao hơn khoảng 3,6% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, đầu tư công cũng phát huy tốt vai trò là nguồn vốn mồi, dẫn dắt đầu tư toàn xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, công tác đầu tư công tập trung nguồn lực cho những công trình, dự án lớn như đường cao tốc, cảng biển, sân bay, từ đó “hình thành những quả đấm thép cho hạ tầng”, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Đó là kết quả của tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới phù hợp với “thế” và “lực” của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương trong hiện tại và tương lai.
Dẫn chứng về tư duy mới, Bộ trưởng cho biết, nếu như trong giai đoạn 2011 – 2015 có khoảng 60 chương trình mục tiêu quốc gia thì Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cắt giảm xuống còn 21 chương trình trong giai đoạn 2016 – 2020 và chỉ còn 3 chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025.
Sau khi cắt giảm các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn do bộ, ngành phân bổ được phân lại cho các địa phương. Mặt khác, các dự án sử dụng ngân sách nhà nước cũng được cắt giảm từ hơn 12 nghìn xuống còn khoảng 5 nghìn trong giai đoạn mới.
Từ đó, nguồn lực được tập trung vào những dự án trọng tâm, trọng điểm, điển hình như mục tiêu hoàn thành 3 nghìn km đường cao tốc vào năm 2025.
“Nếu không làm như vậy, nếu theo tư duy cũ, cứ “băm nát ra”, phân tán thì không thể nào tạo ra được những cú đấm thép”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Tư duy, tầm nhìn mới cũng được thể hiện trong công tác quy hoạch. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, thời gian qua, Bộ đã kiên trì trình Quốc hội qua 3 kỳ họp để ban hành Luật Quy hoạch.
Từ đó, hệ thống quy hoạch được tinh gọn hơn rất nhiều. Đơn cử, nếu như trước đây có đến 20 nghìn quy hoạch thì hiện nay đã được cắt giảm xuống chỉ còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành. Mỗi địa phương trước đây có đến 50 quy hoạch thì hiện tại tất cả được tích hợp vào một quy hoạch duy nhất.
Theo Bộ trưởng, tình trạng quy hoạch trước đây gây ra sự mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột lẫn nhau. Giải quyết được thực trạng này giúp giảm thời gian, giảm các chỉ thị, giấy phép con không cần thiết, qua đó tổ chức lại không gian phát triển cho ngành, địa phương.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức thẩm định năm quy hoạch vùng và 59 quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch cũng nhấn mạnh tư duy mới, tầm nhìn mới để kiến tạo giá trị mới và cơ hội mới, dựa trên những thế mạnh, điều kiện sẵn có của từng địa phương, từng vùng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho từng vùng, từng địa phương theo hướng xanh, bền vững, dựa trên khoa học, công nghệ.
Những thành tựu nói trên thể hiện tư duy mới mà Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện. Làm được những điều này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã từ bỏ những lợi ích riêng vì lợi ích chung của đất nước.
“Nhiều người nói Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tự lấy đá ghè vào chân mình”, Bộ trưởng nói.
Nỗ lực của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng như của toàn bộ máy chính trị đã góp phần giúp Việt Nam trở thành điểm sáng tăng trưởng trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, bất ổn.
Tuy con số tăng trưởng 5,05% của năm 2023 là tương đối tích cực, vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo, năm 2024, nền kinh tế sẽ đối diện với cả khó khăn, thách thức và cơ hội và "khó khăn thách thức nhiều hơn cơ hội".
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo toàn ngành kế hoạch đầu tư và thống kê tập trung triển khai các công việc trọng tâm của toàn ngành, tập trung đẩy mạnh đầu tư công ngay giai đoạn đầu năm, hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch năm vùng kinh tế xã hội trong quý I/2024.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của các hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết vùng, nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm thủ tục kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp vươn ra thế giới.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng tập trung nghiên cứu các đề án, nghị định liên quan đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư cũng như các hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua xây dựng thể chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển các mô hình mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cũng như xu thế mới như năng lượng tái tạo, bán dẫn.
Phạm Nhật