Theo bản án, Hội đồng xét xử đã buộc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 2.800 tỷ đồng, Công ty CP T&H Hạ Long và công ty Âu Lạc thuộc Tập đoàn Tuần Châu phải nộp lại số tiền hơn 6.000 tỷ đồng.
Chiều 11/4/2024, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên án với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 bị cáo trong vụ án.
Bà Lan bị xử phạt 20 năm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; tử hình về tội “Tham ô tài sản” và 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 03 tội là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, bà Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022 tương đương số tiền là hơn 673 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, để xử lý những thiệt hại của vụ án và thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên tiếp tục tạm giữ số tiền hơn 116 tỷ đồng mà ông Tạ Hùng Quốc Việt và gia đình tự nguyện nộp lại; 190.000 USD của ông Trần Văn Hùng nộp lại để đảm bảo nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án; 50 tỷ đồng của ông Nguyễn Phú Tiên, Giám đốc Công ty An Nhựt Tân Long An nộp; hơn 414 tỷ đồng của Công ty Sài Gòn Kim Cương đã nộp.
Mặt khác, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án, HĐXX buộc nhiều doanh nghiệp, cá nhân phải hoàn trả lại số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan.
Cụ thể, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 2.800 tỷ đồng. Buộc Công ty CP Địa ốc Hồng Phát phải nộp lại số tiền hơn 2.355 tỷ đồng. Buộc công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại số tiền 145,2 tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC. Buộc bà Mai Ngọc Ngà nộp lại số tiền 19,3 tỷ đồng. Buộc công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà hoàn trả số tiền 400 tỷ đồng.
Đặc biệt, Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền hơn 6.000 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ án.
Đối với quan hệ thế chấp, bảo đảm liên quan các quyền sử dụng đất của công ty Âu Lạc và công ty Hạ Long dùng để đảm bảo dư nợ cho các khoản vay tại SCB, cơ quan cảnh sát điều tra đang ngắn chặn giao dịch chuyển nhượng. HĐXX xét cần tách ra để công ty Tuần Châu và công ty Âu Lạc giải quyết với ngân hàng SCB và các bên liên quan (nếu có) trong một vụ án khác khi các bên có yêu cầu.
Tiếp tục kê biên, tạm giữ đối với các bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các tài sản khác của công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đứng tên sở hữu hoặc giao cho các cá nhân đứng tên hộ, của các bị cáo, những người liên quan khác để đảm bảo thi hành án.
Trần Anh