Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó có quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Đông Nam Bộ đang là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước, trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics… với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP.HCM.
Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% nhưng thời gian qua, vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp khoảng hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng tương đối phát triển. Có trên 11.800 km đường bộ, đã hình thành trục hướng tâm TP.HCM; 2 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Côn Đảo); đường thủy nội địa mật độ lớn, chảy qua hầu hết trung tâm kinh tế, đô thị, khu công nghiệp; 218 cầu cảng biển dài gần 38 km, chiếm 38,8% chiều dài và 43,2% tổng lượng hàng hóa qua cảng của cả nước.
Sắp tới sẽ có tuyến đường cao tốc kết nối Mộc Bài – TP.HCM, TP.HCM - Vũng Tàu… tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa các nước ASEAN đến TP.HCM, Vũng Tàu…
Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng có xu hướng chậm lại.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là việc liên kết phát triển vùng, xây dựng không gian kinh tế chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.
Quá trình phân cấp giữa trung ương và các địa phương đã và đang diễn ra mạnh mẽ, các địa phương ngày càng được trao quyền nhiều hơn, tuy nhiên lại chưa có sự điều phối, phối hợp giữa các địa phương trong vùng, tạo sự phân mảnh, chia cắt ‘không gian kinh tế vùng’.
Cùng với sự phát triển, hàng loạt vấn đề mới nổi lên mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết được hoặc tự giải quyết không hiệu quả như giao thông liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chủ động đón đầu Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Do đó, riêng với vùng Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Chỉ một tháng sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 154 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24 và đang tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, một trong 4 hội đồng điều phối vùng - Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất; tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, đồng thời tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng: Ách tắc giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề nhà ở.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý III/2023.
Các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh với tổ chức, biên chế gọn nhẹ, sử dụng bộ máy, nhân lực đang có và giao việc cụ thể, bảo đảm các tổ điều phối bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng.
Công tác tham mưu của Tổ điều phối của các bộ, ngành, các địa phương cần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng hay, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.