Thúc đẩy năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu

Châu Phi đang nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, trong khi Mỹ và Hàn Quốc thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng sạch. Rõ ràng, trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia COP28, nhiều quốc gia đang tăng tốc ứng phó biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu

Nỗ lực của châu Phi

Cơ quan điện lực các nước châu Phi nhóm họp tại Thủ đô Nairobi của Kenya nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo ở lục địa này để đối phó biến đổi khí hậu. Hội nghị kéo dài năm ngày quy tụ các cơ quan quản lý điện của Kenya, Tanzania, Uganda, Ghana, Namibia và Nam Phi. Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận những biện pháp đẩy nhanh quá trình sử dụng các nguồn năng lượng xanh trong vai trò là phương tiện mở rộng khả năng tiếp cận điện ở châu Phi.

Thư ký điều hành Ủy ban Điều tiết tiện ích công cộng Ghana, ông Ishmael Ackah đánh giá, châu Phi sở hữu nguồn năng lượng tái tạo dồi dào có thể giúp khu vực cung cấp điện xanh với giá phải chăng cho người dân. Theo ông Ackah, Ghana tin tưởng sẽ khai thác nhiều năng lượng sạch do sở hữu nhiều ánh nắng mặt trời. Ông Ackah khẳng định, phần lớn sản lượng điện của Ghana đang được sản xuất từ các nguồn nhiệt, song quốc gia Tây Phi đang ưu tiên đầu tư vào điện xanh để giảm lượng khí thải carbon từ ngành năng lượng.

Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý tiện ích nước và năng lượng Tanzania, ông James Andilile cho biết, Tanzania rất muốn mở rộng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời nhấn mạnh Tanzania có một trong những hệ thống thung lũng tách giãn dài nhất châu Phi, nơi chứa nguồn năng lượng địa nhiệt dồi dào. Quan chức Tanzania đánh giá, ưu điểm của năng lượng xanh là sự tiến bộ trong công nghệ làm giảm chi phí vận hành của các nhà máy sản xuất năng lượng sạch.

Chia sẻ quan điểm với hai quan chức trên, Giám đốc điều hành Cơ quan điều tiết điện lực Uganda, bà Ziria Tibalwa Waako, dự báo xu hướng sử dụng năng lượng xanh sẽ tạo ra lợi ích kinh tế và môi trường cho châu Phi. Bà nhấn mạnh, năng lượng tái tạo sẽ làm giảm tình trạng phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giúp tiết kiệm ngoại hối.

Hợp tác Mỹ - Hàn Quốc

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, nước này và Mỹ vừa thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng và chuỗi cung ứng. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Bang Moon-kyu và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez đã chủ trì hội nghị bàn tròn về kinh doanh năng lượng sạch bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra tại thành phố San Francisco (Mỹ).

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bang Moon-kyu cho rằng, Sáng kiến năng lượng không carbon của Hàn Quốc và Sáng kiến nhu cầu năng lượng sạch của Mỹ có chung tầm nhìn về mở rộng các nguồn điện sạch bằng cách sử dụng năng lượng không phát thải carbon. Bộ trưởng Bang Moon-kyu cũng có cuộc thảo luận riêng với Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ, ông John Kerry để trao đổi quan điểm về các chiến lược sử dụng các nguồn năng lượng không phát thải carbon khác nhau, trong đó có năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc cho hay, Bộ trưởng Lee Sang-min và Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó thảm họa và biến đổi khí hậu giữa hai nước. Tại cuộc hội đàm ở Thủ đô Washington D.C, Bộ trưởng Lee Sang-min nhấn mạnh liên minh Hàn - Mỹ đã trở nên gắn kết hơn nhờ sự lãnh đạo của Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng thời Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó thảm họa. Theo bộ trên, hai quan chức Hàn - Mỹ cũng đã chia sẻ các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của mỗi quốc gia và nhất trí cần chủ động xác định các yếu tố rủi ro mới và tập trung năng lực quốc gia để ứng phó các thách thức.