Theo các chuyên gia y tế, có 5 yếu tố quan trọng khiến ngành y tế Việt Nam thu hút các nhà đầu tư. Đó là câu chuyện nhân khẩu, tăng trưởng kinh tế, lối sống thay đổi, mô hình chăm sóc sức khỏe và nhu cầu bảo hiểm y tế.
Giữa năm nay, Thomson Medical đã chi ra 381 triệu USD mua lại hệ thống bệnh viện Pháp Việt (bệnh viện FV) và đây được xem là thương vụ đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có giá trị lớn nhất khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.
Ngoài hệ thống 220 giường bệnh và 1.600 nhân viên y tế, phía Thomson Medical tin rằng, thị trường Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hứa hẹn với mô hình du lịch y tế trong khu vực như Lào, Myanmar, và Campuchia.
Không chỉ thu hút khách quốc tế, quy mô thị trường chăm sóc sức khỏe trong nước cũng tăng dần qua từng năm khi tổng chi tiêu y tế ở Việt Nam năm 2019 là hơn 17 tỉ USD, và ước đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo PwC.
Báo cáo của PwC dự báo, ngành y tế sẽ là một trong số ít lĩnh vực hàng đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam, trong bối cảnh chung các doanh nghiệp rơi vào "mùa đông" gọi vốn.
Trong đó, tiền chủ yếu sẽ chảy vào khối các bệnh viện tư nhân bao gồm: các thương vụ mua lại toàn bộ, mua cổ phần, hay đầu tư trao tay...
Theo các chuyên gia y tế, có 5 yếu tố quan trọng khiến ngành y tế Việt Nam thu hút các nhà đầu tư. Đó là câu chuyện nhân khẩu, tăng trưởng kinh tế, lối sống thay đổi, mô hình chăm sóc sức khỏe và nhu cầu bảo hiểm y tế.
Sở dĩ, khối bệnh viện tư nhân trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại là bởi tình trạng quá tải tại các bệnh viện công tuyến đầu vẫn chưa được khắc phục. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số giường bệnh/1.000 dân tại Việt Nam năm 2021 mới đạt 3,1 giường, dưới mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (5 giường/1.000 dân).
Sự mất cân bằng cung cầu này cho thấy tiềm năng phát triển hệ thống y tế tư nhân ở Việt Nam, được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích của Chính phủ, như Nghị quyết số 20/NQ-TW (năm 2017) đặt mục tiêu số giường bệnh tư nhân chiếm 10% và 15% tổng số giường bệnh vào năm 2025 và năm 2030.
Do đó, bệnh viện và phòng khám tư nhân sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là khi số lượng bệnh nhân đang phục hồi về mức trước đại dịch; các ca phẫu thuật, thủ thuật y tế phức tạp và các dịch vụ y tế đắt tiền đã được thực hiện trở lại.
Sau thương vụ Thomson Medical và bệnh viện FV, xuất hiện thông tin cho rằng quỹ đầu tư toàn cầu KKR có trụ sở tại Mỹ muốn đầu tư vào Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (Medical Saigon Group - MSG). Từ 2011 đến nay, KKR đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các công ty của Việt Nam với nhiều thương vụ lớn mà nổi bật có Masan, Vingroup, ….
Nếu hoàn tất thương vụ với MSG, KKR sẽ mở đường thoái lui cho Heliconia Capital, một đơn vị được hậu thuẫn bởi Temasek, đã đầu tư vào MSG vào năm 2019.
SMG có trụ sở tại TP. HCM, hiện đang điều hành 14 bệnh viện trên toàn quốc, bao gồm 9 bệnh viện mắt và 5 bệnh viện đa khoa. Ngoài ra, công ty hợp tác của Trung tâm Mắt Eagle của Singapore - bệnh viện mắt hàng đầu trên toàn thế giới - điều hành một Trung tâm Mắt Eagle tại TP. HCM.
SMG được coi là chuỗi bệnh viện mắt lớn nhất Việt Nam. Theo thông tin từ website, chuỗi bệnh viện đang có khoảng 1.600 nhân viên y tế làm việc. SMG ban đầu được bác sĩ Thái Thành Nam thành lập từ tháng 4/2004.
Sau đó, bác sĩ Thái Thành Nam quyết định rời khỏi SMG. Từ tháng 3/2023, ông đảm nhận vị trí giám đốc tại Trung tâm Mắt Việt mới thành lập tại TP. HCM.
Trước đó, thị trường y tế Việt Nam cũng ghi nhận nhiều thương vụ lớn khác đầu tư vào khối bệnh viện tư nhân. Nhóm nhà đầu tư do GIC đại diện từng chi 203 triệu USD để nắm cổ phần thiểu số tại VMC Holding - công ty mẹ của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec năm 2020.
Hay gần đây, VinaCapital đang xem xét việc bán cổ phần tại Hệ thống Y tế Thu Cúc (TCI) định giá từ 150 đến 200 triệu USD. Hiện VinaCapital đang liên hệ với nhà đầu tư tài chính về khả năng bán 30% cổ phần tại TCI.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn xuất phát từ những ưu đãi của chính sách xã hội hóa y tế. Theo đó, những doanh nghiệp đầu tư bệnh viện được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Doanh nghiệp mới thành lập còn được miễn thuế đất tối đa 4 năm (thay vì 2 năm hiện nay) và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai và đầu tư xây dựng bệnh viện cũng được Chính phủ quy định khá cụ thể, như ưu đãi về thuế đất, lệ phí trước bạ nhà, đất các bệnh viện tư nhân.
Một số dự án đầu tư, mở rộng, xây mới bệnh viện cũng được ưu đãi về mức vốn vay, tối đa tới 70% tổng vốn của dự án.
Ngoài ra, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh