Trách nhiệm của EVN trước sai phạm của những dự án điện

Không hoàn thành đầu tư nguồn và lưới điện, hàng loạt dự án điện tái tạo hưởng giá FIT sai quy định, bất cập mua bán điện tại một số dự án nguồn điện, kéo dài thời gian chấm thầu, là những vết đen trong hoạt động của EVN suốt quá trình thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh.

Một trong những vấn đề nổi cộm trong kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ công bố liên quan đến việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện quy hoạch điện, là việc bổ sung quy hoạch và công nhận ngày vận hành thương mại đối với các dự án điện mặt trời, điện gió.

Ngoài những vi phạm của Bộ Công thương, kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hàng thương mại sai quy định.

Theo đó, Công ty Mua bán điện đã công nhận ngày vận hành thương mại của 26 nhà máy điện mặt trời, điện gió tại ba tỉnh Bình Thuận, Long An và Bình Phước mặc dù các dự án này chưa có kết luận đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc công nhận này vi phạm Nghị định 46/2015, Thông tư 39/2015 của Bộ Công thương và Luật Xây dựng.

Cơ quan thanh tra cũng xác định việc Công ty Mua bán điện công nhận vận hành thương mại và mua điện đối với 26 dự án đang gặp vi phạm về pháp luật xây dựng, đất đai là vi phạm Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.

Trong sự việc này còn có trách nhiệm của EVN khi tập đoàn ban hành quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió với nội dung không quy định điều kiện để đưa công trình vào sử dụng theo hai Thông tư liên quan là 39 và 16 của Bộ Công thương.

Những vi phạm trên dẫn đến việc công nhận vận hành thương mại và mua điện của các nhà máy điện mặt trời, điện gió theo giá cố định đang áp dụng là chưa đủ cơ sở pháp luật. Hầu hết các dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng để kịp thời gian được áp dụng cơ chế khuyến khích - hay còn gọi là giá FIT - nên đã gặp vi phạm trong quá trình thực hiện.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trách nhiệm của EVN liên quan đến quá trình xây dựng khung giá phát điện.

Cụ thể, theo các Thông tư số 41, 56 và 57 của Bộ Công thương, EVN xây dựng khung trần đối với các nhà máy nhiệt điện, không có thuyết minh và bảng tính khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực không kiểm tra, thẩm định việc xây dựng khung giá phát điện đối với các nhà máy thủy điện do EVN xây dựng.

Thanh tra Chính phủ xác định, Bộ Công thương chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư 41 do chính bộ này ban hành. Trách nhiệm đối với vấn đề này thuộc về Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN.

Đáng chú ý, EVN cũng không hoàn thành nhiệm vụ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2020, EVN và các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị thành viên có liên quan chỉ thực hiện đạt khoảng 82% công suất được giao.

Đặc biệt, việc đầu tư lưới truyền tải đạt tỷ lệ thấp cả về quy mô lẫn số lượng. Theo đó, đường dây 500kV đạt 35%, 200kV đạt 54% và trạm biến áp 500kV đạt 54%.

Do đầu tư lưới truyền tải đạt hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, không đáp ứng đủ năng lực truyền tải theo quy hoạch nên gây khó khăn cho việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc không hoàn thành đầu tư lưới truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng quá tải cục bộ, phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện.

Một vi phạm khác của EVN cũng được chỉ ra là liên quan tới quá trình đầu tư hai nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2, 3. Theo đó, EVN và Ban quản lý các dự án điện 2 chấm thầu lựa chọn nhà thầu EPC hai nhà máy kéo dài lần lượt 317 và 354 ngày, vi phạm thời gian chấm thầu nêu trong Luật Đấu thầu.

Khi hồ sơ dự thầu và bảo lãnh dự thầu hết thời hạn có hiệu lực, Ban quản lý các dự án điện 2 đề nghị các nhà thầu gia hạn hiệu lực của hồ sơ và bảo lãnh dự thầu thêm 90 ngày. Tuy nhiên, đến ngày hết hiệu lực sau khi gia hạn, EVN vẫn chưa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Việc này được Thanh tra Chính phủ xác định là không đúng quy định tại Luật Đấu thầu. Đồng thời, việc kéo dài thời gian trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu đã dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, không đưa nhà máy vào vận hành theo tiến độ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra, EVN còn phải chịu trách nhiệm về tình trạng vượt khung giá quy định, số liệu kiểm toán thiếu tin cậy, đàm phán kéo dài diễn ra trong hoạt động mua bán điện tại nhiều dự án thủy điện, nhiệt điện.

Trách nhiệm của EVN trước sai phạm của những dự án điện

Cụ thể, nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và thủy điện Sông Bung 4 đều ghi nhận việc ký kết hợp đồng mua bán điện có giá mua vượt khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Tại Thủy điện Đồng Nai 2 với công suất 70MW tại tỉnh Lâm Đồng, vào tháng 5/2014, Công ty Mua bán điện và chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán điện với giá mua điện 1.740 đồng/kWh (chưa gồm VAT, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng), sau khi có báo cáo quyết toán công trình hai bên sẽ tính toán lại giá điện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, mức giá này cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần quy định tại khung giá điện năm 2013 áp dụng cho các nhà máy thủy điện theo Quyết định 8440 do Bộ Công thương ban hành hồi tháng 1/2013.

Việc đàm phán giá mua bán điện của Thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, nguyên nhân chính là giá mua bán điện vượt khung giá quy định.

Tương tự là việc mua bán điện của nhà máy thủy điện Sông Bung 4A tại tỉnh Quảng Nam do Công ty CP Phú Thạnh Mỹ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 1.690 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng mua bán điện với giá tại thời điểm giao nhận điện là 983 đồng/kWh vào năm 2013, EVN ký hợp đồng bổ sung với giá vọt lên mức 1.272 đồng/kWh, vượt xa giá trần năm 2015, trước khi báo cáo Cục Điều tiết điện lực.

Việc đàm phán giá mua bán điện của Thủy điện Sông Bung 4A diễn ra từ năm 2013 nhưng đến tháng 4/2022 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nguyên nhân là giá mua điện vượt khung giá quy định.

Tới tháng 7/2022, EVN và chủ đầu tư mới ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện, nghĩa là sau 9 năm, tồn tại này mới được các bên khắc phục theo quy định.

Tại hai dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 và thủy điện Đồng Nai 5, EVN, Công ty Mua bán điện và các chủ đầu tư hiện vẫn chưa thực hiện xong kết luận, kiến nghị năm 2016 của Kiếm toán Nhà nước về hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án.

Cụ thể, cơ quan kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính giảm trừ hơn 3.100 tỷ đồng đối với Nhiệt điện Vũng Áng 1 do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam thực hiện, giảm vốn 350 tỷ đồng với dự án thủy điện Đồng Nai 5 do Tổng công ty Điện lực – TKV thực hiện.

Tới thời điểm thanh tra năm vừa qua, EVN và Công ty Mua bán điện cũng như các chủ đầu tư chưa thực hiện đàm phán lại giá điện theo vốn đầu tư quyết toán.

Bên cạnh việc xử lý trách nhiệm, cơ quan thanh tra đưa ra một số kiến nghị về xử lý kinh tế liên quan đến các vi phạm, tồn tại của EVN.

Trong đó, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp EVN rà soát, xử lý theo quy định đối với các dự án được công nhận vận hàn thương mại và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý.

Tin liên quan