Từ vụ sản xuất, tiêu thụ xăng giả ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Chặn hành vi lừa người tiêu dùng bằng cách nào?

Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, chuyên gia pháp lý cho rằng cần có những chế tài nghiêm khắc hơn nhằm răn đe cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sai phạm.

Tối 18/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Võ Hoài Phương, 38 tuổi (địa chỉ thường trú xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là Giám đốc Công ty TNHH vận tải Gia Khiêm, có trụ sở chính ở phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để điều tra về hành vi sản xuất, tiêu thụ xăng giả.

Từ vụ việc này, để có cái nhìn toàn cảnh hơn về những quy định và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật về việc sản xuất, tiêu thụ xăng giả, Phóng viên Thương gia online đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

aria-grand-700x300px.jpg

Bà đánh giá thế nào về công tác quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu? Những chế tài xử phạt hiện nay có tương xứng với những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng gây ra?

Luật sư Hà Thị Khuyên: Sở dĩ hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực xăng dầu tồn tại và kéo dài lâu nay là do những lỗ hổng trong vấn đề quản lý, những hạn chế của quy định pháp luật. Trong công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã thiếu sự giám sát mang tính liên ngành, dẫn tới nhiều cán bộ trở thành chân rết, tiếp tay cho sai phạm để hưởng các lợi ích vật chất, hoặc tham gia đường dây buôn lậu, có nhiều địa phương để đấu tranh với loại tội phạm lĩnh vực xăng dầu phải có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan liên ngành, bởi xử lý sai phạm phải đụng chạm tới cán bộ đứng sau tiếp tay cho cá nhân, doanh nghiệp sai phạm.

Đặc biệt, chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn quá nhẹ đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu có sai phạm, nên tính răn đe của chế tài xử phạt chưa cao dẫn tới những sai phạm nhỏ bị xử phạt vi phạm hành chính cho qua loa mang tính hình thức, nên doanh nghiệp tiếp tục sai phạm để lại hậu quả lớn, tính chất hành vi đặc biệt nghiêm trọng bị xử lý hình sự cho thấy chế tài xử phạt hành chính chưa tương xứng với hậu quả gây ra, đẩy sai phạm sau đó diễn ra lớn hơn tới mức phải xử lý hình sự, đây là bất cập lớn cần sửa đổi quy định pháp luật.

Bà có những khuyến nghị gì về công tác quản lý, xây dựng hệ thống luật pháp nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng?

Luật sư Hà Thị Khuyên: Trước tình trạng giá cả xăng dầu trong nước và thế giới ở mức cao như hiện nay, nếu không có sự giám sát, quản lý chặt chẽ nhiều cá nhân, tổ chức vì sự ích kỷ, lòng tham sẵn sàng vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính. Thời gian tới cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện những giải pháp sau để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Để việc thanh tra xử phạt vi phạm mang tính công khai, minh bạch, khách quan cần lập tổ thanh tra liên ngành kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu, tránh việc thanh tra giao cho 1 đơn vị thực hiện dẫn tới cán bộ bị đơn vị sai phạm mua chuộc, dụ dô bằng lợi ích vật chất.

Việc thanh tra, kiểm tra không chỉ thực hiện trên sổ sách mà phải kiểm tra tại kho xăng, bể chứa xăng để biết được tình trạng xăng dầu của doanh nghiệp và phát hiện sớm sai phạm.

Cần nghiên cứu đề xuất chế tài xử phạt hành chính mang tính nghiêm khắc hơn nhằm răn đe cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sai phạm.

Nhà nước cần có biện pháp can thiệp để bình ổn giá xăng dầu trong nước, tránh việc giá xăng quá cao, lợi dụng chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu của Chính phủ nhiều đối tượng nhập khẩu xăng giả, pha chế xăng giả để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan