Trong số các nhà máy nhiệt điện than được lên kế hoạch cho giai đoạn tới 2030, một vài dự án vẫn đang trong giai đoạn đàm phán hợp đồng, và thậm chí, nhiều dự án khác lại đang chật vật trong việc đảm bảo vốn.
Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor – GEM) trong báo cáo thường niên mới đây nhận định: “Điện than tại Việt Nam có một tương lai mơ hồ”.
Trong hai năm qua, các dự thảo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam đã cắt giảm ngày một nhiều điện than hơn, thường chuyển đổi các dự án điện than sang khí đốt, và bổ sung thêm nhiều năng lượng tái tạo.
Trong dự thảo hồi tháng 7 năm ngoái, có 15 nhà máy nhiệt điện than được lên kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2030. Một vài dự án trong số này vẫn đang trong giai đoạn đàm phán hợp đồng. Thậm chí, nhiều dự án khác (tương đương hơn 7GW) được cho là đang chật vật trong việc đảm bảo vốn, GEM cho biết.
Trước COP27, các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và các nước G7 xung quanh thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP) đã không thành công.
Đến tháng 12/2022, các quốc gia đã có thể thống nhất được khoản kinh phí 15,5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, bao gồm kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ đạt mức phát thải cao nhất chậm nhất vào năm 2030, thay vì năm 2035.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ lắp đặt thêm dưới 6GW công suất điện than, giảm so với mục tiêu hơn 12GW trước đây, và hơn 18GW từng được đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII hồi tháng 7.
Dự thảo mới vào tháng 12/2022 đã rút ngắn danh sách các dự án điện than xuống còn 12. Tuy vậy, một vài dự án trong số đó đã phải chật vật để thu hút các nhà đầu tư, và dường như đang chuyển hướng sang khí đốt, GEM nhận định.
Một số dự án phát triển, chẳng hạn như nhà máy Quảng Trị bị trì hoãn từ lâu, đã bị hủy bỏ dứt khoát trong năm 2022. Giai đoạn 3 của nhà máy Vĩnh Tân, ban đầu được lên kế hoạch sẽ khởi công xây dựng vào năm 2010, chưa từng bị hủy bỏ, nhưng đã bị dán nhãn là “có vấn đề”, và đã phải đối mặt với hàng loạt rào cản kể từ khi bắt đầu.
5 nhà máy điện than khác, tương đương với toàn bộ mục tiêu công suất điện than mới 6GW, hiện đã trong quá trình xây dựng. Nhà máy nhiệt điện Long Phú, nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, nhà máy nhiệt điện Vân Phong, giai đoạn hai của nhà máy Thái Bình, và giai đoạn 2 của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, đang ở các giai đoạn hoàn thiện khác nhau tính đến tháng 1/2023.
“Nếu tất cả các dự án này đi vào vận hành thương mại, Việt Nam phải hủy bỏ công suất đề xuất còn lại để tuân thủ thỏa thuận JETP”, GEM nhấn mạnh.
Công suất hoạt động hiện có tại Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, bao gồm hơn 70 tổ máy trên 25 nhà máy điện. Tổng công suất điện than còn rất mới, với 95% công suất được lắp đặt trong 20 năm qua, và gần 80% được lắp đặt trong 10 năm qua.
GEM nhận định điện than vẫn là trung tâm sinh kế của nhiều cư dân trong nước, với gần hai chục mỏ đang hoạt động. “Nếu Việt Nam thành công loại bỏ dần việc sản xuất, và khai thác nhiệt điện than trong dài hạn, quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng phải cân nhắc đến nhóm cư dân này”, GEM lưu ý.
Tổ chức này cũng cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng đòi hỏi phải triển khai thận trọng các quỹ JETP, và nâng cấp lưới truyền tải của quốc gia, để tạo điều kiện cho lĩnh vực năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh chóng.
Ngoài ra, theo GEM, như các nhóm nhân quyền và những nhóm khác đã nhấn mạnh, chính phủ phải duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền cao nhất để củng cố, và đạt được các cam kết của mình.