Xu thế chứng khoán ngày 10/11: Nắm giữ cổ phiếu, hạn chế việc mua thêm
Chứng khoán ngày 9/11, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư giúp VN-Index đầu phiên tiếp tục tăng điểm mạnh lên vùng giá 1.125 điểm tương ứng giá cao nhất tháng 1/2023 với thanh khoản tăng mạnh hơn 10.000 tỷ đồng trong phiên sáng. Sau đó áp lực bán gia tăng dần, thị trường phân hóa hơn.
VN-Index chịu áp lực điều chỉnh trong phiên chiều và phiên ATC, kết phiên ở mức 1.113,99 điểm tăng 0,04% so với phiên trước. HNX-Index kết phiên tăng 1,19 điểm (0,52%) lên 228,22 điểm.
Độ rộng trên 2 sàn niêm yết vẫn rất tích cực với 457 mã tăng giá (18 mã tăng trần), áp lực điều chỉnh ngắn hạn gia tăng với 268 mã giảm giá (6 mã giảm sàn) và 131 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn đạt 24.081,48 tỷ đồng, tăng mạnh 16,33% so với phiên trước, vượt mức trung bình. Diễn biến cho thấy dòng tiền vẫn đang cải thiện gia tăng tốt, mặc dù mức độ phân hóa dần gia tăng.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, bán ròng khá mạnh với giá trị 806,39 tỷ đồng trên HOSE, tập trung bán ròng ở nhóm cổ phiếu bán lẻ, bất động sản vốn hóa lớn và dịch vụ tài chính chứng khoán; mua ròng trên HNX với giá trị 4,80 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến rất tích cực với thông tin trên, đa số tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến tích cực như PDR (+6,93%), NLG (+5,91%), VIC (+5,58%), VHM (+4,63%), NHA (+4,23%)....ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh với HDC (-1,10%), CII (-0,58%), SJS (-0,48%)...
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến nổi bật so với thị trường chung, thanh khoản vẫn tăng mạnh với VIX (+6,85%), APS (+5,63%), BSI (+5,03%), AGR (+3,46%)..., tuy nhiên nhiều mã sau giai đoạn tăng giá mạnh đã chịu áp lực điều chỉnh cuối phiên như VCI (-0,61%), SHS (-0,57%), MBS (-0,49%%)...
Diễn biến thị trường phân hóa và trong các nhóm ngành vẫn có nhiều mã có diễn biến tăng giá mạnh hết biên độ với thanh khoản đột biến như cảng biển VSC (+7,00%), chăn nuôi, nông nghiệp BAF (+6,87%), IDJ (+8,06%)...
Nhóm cổ phiếu điện cũng có diễn biến nổi bật, nhiều mã có khối lượng giao dịch đột biến như POW (+0,43%), QTP (+1,42%), SJD (+1,71%)... trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ hôm nay (9/11). Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Mua lại ở những nhịp điều chỉnh giảm Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VCBS giữ nguyên quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn, có thể cân nhắc bán một phần cổ phiếu trong tài khoản rồi canh mua lại ở những nhịp điều chỉnh giảm trong phiên hoặc giữ sức mua để tìm kiếm cơ hội giải ngân lướt sóng T+ nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh, kiểm tra lại vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.080-1.085 điểm.
VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi phục Chứng khoán AIS
Chỉ số VN-Index chững lại đà tăng ở cuối phiên sau khi vượt kháng cự cứng MA200 ngày. Kết phiên, chỉ số hình thành cây nến bán với giá giảm và khối lượng lớn hơn phiên trước. Điều này cho thấy thị trường đang gặp khó quanh vùng 1.115 điểm này. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI đi ngang cho thấy lực cầu tham gia đang chậm lại.
Chỉ số có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ để kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ ngắn hạn là gap 1.100-1.110 điểm. Tại đây, nếu lực cầu quay trở lại, chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục để hướng lên vùng 1.125 điểm, xa hơn là 1.150 điểm.
Nhìn chung, trong tháng 11, VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi phục sau hai tháng giảm điểm mạnh trước đó
Nắm giữ cổ phiếu, hạn chế việc mua thêm Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Điểm đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay là thanh khoản, khối lượng khớp lệnh ở mức cao, vượt mức trung bình 20 phiên và tăng hơn so với phiên bùng nổ hôm qua.
Việc thanh khoản dâng cao nhưng VN-Index lại thu hẹp đáng kể đà tăng về cuối phiên với một thân nến đỏ cho thấy xung lực tăng điểm đã giảm đi đáng kể.
Mặc dù tín hiệu của phiên bùng nổ hôm qua đã xác nhận xu hướng tăng, nhưng để thị trường có mức tăng bền vững thì khả năng cao cần có nhịp chỉnh để lấy lại cân bằng sau phiên tăng tốc trước đó.
Các chuyên gia của CSI kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp chỉnh ngắn hạn về vùng hỗ trợ 1.090-1.100 điểm, sau đó sẽ quay lại xu hướng hồi phục.
Vì vậy, CSI vẫn giữ nguyên quan điểm nắm giữ cổ phiếu, hạn chế việc mua thêm và chờ thị trường chung kiểm tra ngưỡng hỗ trợ để gia tăng thêm tỷ trọng ở những cổ phiếu đã có lợi nhuận.
Bán hạ tỷ trọng về ngưỡng an toàn trong các nhịp hồi sớm Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Với việc hình thành mẫu nến shooting star cùng với thanh khoản tăng mạnh khi VN-Index tiếp cận quanh vùng kháng cự 1.120 (+/-5) điểm, tương ứng MA200 ngày khiến cho đà tăng điểm tích cực của chỉ số không thể tiếp tục duy trì và đưa trạng thái thị trường vào ngưỡng rủi ro hơn.
Với việc xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ gặp áp lực điều chỉnh lớn trở lại tại vùng kháng cự 1.120 (+/-5) điểm và xa hơn tại 1.150 (+/- 10) điểm.
Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục Chứng khoán SHS
Thị trường đang có xu hướng hồi phục tích cực sau nhịp giảm sâu, trong ngắn hạn mặc dù VN-Index vẫn có thể tiếp diễn xu hướng tăng điểm, nhưng mọi nỗ lực phục hồi ngắn hạn đều mang tính kỹ thuật hàm chứa rủi ro. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục, chờ cơ hội giải ngân thêm khi thị trường tích lũy ổn định trở lại.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Bảo Châu