Xu thế chứng khoán ngày 21/3: Giải ngân đối với những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền

Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời đối với những cổ phiếu tiếp tục cho dấu hiệu suy yếu tại vùng đỉnh hoặc đã giảm dưới khu vực hỗ trợ. Bên cạnh đó, tận dụng những phiên rung lắc tích lũy để gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, thép, chứng khoán ở vùng giá tốt...

Chứng khoán ngày 20/3, thị trường có phiên giao dịch rất tích cực trước áp lực lượng cổ phiếu T+2 của phiên giao dịch đột biến thanh khoản 47 nghìn tỷ đồng ngày 18/3/2024 về tài khoản.

Đầu phiên VN-Index chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.235 điểm với thanh khoản giảm sút mạnh thể hiện áp lực bán không lớn. VN-Index sau đó phục hồi tốt với ảnh hưởng tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng và vượt lên lại vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.245 điểm -1.255 điểm với thanh khoản cải thiện hơn.

Kết phiên VN-Index tăng 17,62 điểm (+1,42%) lên mức 1.260,08 điểm. HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,79%) lên mức 238,03 điểm. Độ rộng thị trường quay trở lại tích cực khi có 447 mã tăng giá (12 mã tăng trần), 208 mã giảm giá (4 mã giảm sàn) và 135 mã giữ giá tham chiếu.

Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 24.523,3 tỷ đồng được giao dịch, tăng 5,1% so với phiên trước, trên mức trung bình. Thể hiện thị trường phân hóa mạnh, nhiều mã phục hồi với thanh khoản giảm, trong khi giá tăng khá tốt trong các cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng với khối lượng giao dịch của VN30 tăng mạnh 49,82% so với phiên trước.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuỗi bán ròng khá đột biến trên HOSE với giá trị 564,39 tỷ đồng trong phiên hôm nay, mua ròng nhẹ trên HNX với giá trị 2,33 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh khá đột biến ngày 8/3/2024 đã trở thành tâm điểm của thị trường trong phiên hôm nay khi tăng giá tốt, thanh khoản gia tăng mạnh đột biến trở lại, nổi bật với VIB (+6,79%) vượt đỉnh gần nhất, LPB (+5,26%), TCB (+4,96%), MBB (+4,09%), CTG (+3,15%)... ngoài EIB (-0,54%)...

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng có diễn biến tăng giá tích cực sau áp lực bán mạnh, thanh khoản rất đột biến ngày 18/03/2024, tuy nhiên đa số thanh khoản dưới mức trung bình như VCI (+4,93%), CSI (+4,79%), VIX (+3,63%), SSI (+2,90%)... ngoài WSS (-1,54%), DSC (-0,80%)...

Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng có diễn biến khá tích cực ngay từ đầu phiên sau khi chịu áp lực điều chỉnh những phiên trước nổi bật với MWG (+5,49%) thanh khoản gia tăng mạnh, PET (+3,04%), DGW (+2,49%), PNJ (+1,76%)....

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có nhiều cổ phiếu có diễn biến tăng giá tích cực, nổi bật với thanh khoản tăng mạnh như HPX (+19,96%) được giao dịch trở lại, TCH (+5,65%), NHA (+3,06%).... trong khi đa số biến động nhẹ, phân hóa mạnh với thanh khoản dưới mức trung bình.

Các nhóm ngành khác cũng có diễn biến khá tương tự khi tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau phiên giảm mạnh với thanh khoản rất đột biến, cũng như thị trường đang dần kết thúc quý 1/2024 cần đánh giá thêm các thông tin về kết quả kinh doanh quý 1.

Xu thế chứng khoán ngày 21/3: Giải ngân đối với những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền

Chỉ số VN-Index trong thời gian qua Tiếp diễn vận động ảm đạm trong ngắn hạn Chứng khoán DSC

Trong ngắn hạn, thị trường tiếp diễn vận động ảm đạm, neo trên vùng 1.240 điểm (đường viền cổ), sau tín hiệu rút chân hôm qua. Những biến động rung lắc lớn có thể xuất hiện sau kỳ đáo hạn phái sinh kết thúc.

Hiện tại, có 4/5 chỉ báo kỹ thuật tích cực. Chỉ số xác nhận tín hiệu phân kỳ 3 đoạn với chỉ báo RSI. Chờ trạng cân bằng của RSI quanh vùng 30-50 điểm trước khi nghĩ đến câu chuyện giải ngân mới.

Giải ngân đối với những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Dưới góc độ kĩ thuật, VN-Index ghi nhận phiên giao dịch trồi sụt quanh tham chiếu, nỗ lực để giữ lại cân bằng cho thị trường. Ở khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn bám sát đường trung bình động MA20, các chỉ báo xu hướng RSI và MACD vẫn đang hướng xuống cho thấy thị trường sẽ cần thêm thời gian để tìm lại điểm cân bằng trước khi bước vào nhịp tăng trung hạn mới.

Ở khung đồ thị giờ, đường ADX đang neo ở mốc 19 và DI- ở mức 30, cùng 2 chỉ báo RSI và MACD đang ở vùng thấp cho thấy xác suất thị trường tiếp tục xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh ngay trong ngắn hạn sẽ thấp và VN Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy sideway.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng và cân nhắc chốt lời đối với những cổ phiếu tiếp tục cho dấu hiệu suy yếu tại vùng đỉnh hoặc đã giảm dưới khu vực hỗ trợ. Bên cạnh đó, tận dụng những phiên rung lắc tích lũy để gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, thép, chứng khoán ở vùng giá tốt.

Giằng co quanh vùng 1.245 - 1.250 Chứng khoán Tiên Phong (TPS)

Diễn biến giằng co mạnh của chỉ số cùng với thanh khoản sụt giảm nhiều so với phiên trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng. Về ngắn hạn, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự giằng co của chỉ số VN-Index quanh vùng 1.245 - 1.250.

Nếu vượt qua mốc này, chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục và kiểm định vùng kháng cự 1.270 điểm. Ngược lại, nếu lực bán của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tâm lý tiêu cực có thể sẽ lan tỏa đến nhóm nhà đầu tư cá nhân, từ đó kéo điểm số về vùng hỗ trợ gần là 1.230 - 1.235.

Về trung và dài hạn, điểm tích cực trong thời gian gần đây là thanh khoản thị trường đã có sự bứt phá mạnh mẽ và đây có lẽ sẽ là yếu tố thúc đẩy up trend của thị trường. Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm, các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản đang được xem xét, bối cảnh kinh tế năm 2024 đang dần khởi sắc…sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nắm giữ tài sản là cổ phiếu.

Chỉ số P/E của VN-Index hiện tại là 14,35 lần, trung bình trong quá khứ dao động quanh 12-17 lần. Định giá PB đang ở mức 1,8 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình 2,1 lần.

Chốt lời từng phần ở vùng giá cao khi VN-Index hoặc cổ phiếu mục tiêu vượt đỉnh Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sau một vài phiên điều chỉnh, sự hình thành của mẫu nến “bullish engulfing” trong phiên hôm nay đã đưa thị trường trở lại trạng thái tích cực, mở ra cơ hội duy trì nhịp tăng điểm và chinh phục vùng đỉnh ngắn hạn cũ.

Mặc dù vậy, chúng tôi tiếp tục lưu ý về rủi ro đảo chiều xu hướng khi chỉ số tiếp cận vùng cản kế tiếp tại quanh 1.300 (+/-10) điểm. Rủi ro này sẽ đặc biệt cần lưu ý nếu trong những phiên tăng điểm và vượt đỉnh sắp tới, khối lượng giao dịch của thị trường lại không tăng tương ứng hoặc xuất hiện thêm những phiên bulltrap, phân phối mạnh.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, thực hiện chiến lược bán chủ động chốt lời từng phần ở vùng giá cao khi VN-Index hoặc cổ phiếu mục tiêu vượt đỉnh đối với các vị thế trading đã mua thêm trong nhịp điều chỉnh vừa qua hoặc hiện còn đang nắm giữ.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Tin liên quan