Chứng khoán ngày 24/1, với tâm lý thận trọng hơn khi VN-Index điều chỉnh ở các vùng kháng cự mạnh. VN-Index trong phiên hôm nay tiếp tục giảm điểm. Kết phiên ở mức 1.172,97 điểm, giảm 4,53 điểm (-0,38%) so với phiên trước.
HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,32%) về mức 228,53 điểm. Độ rộng trên 2 sàn niêm yết tiêu cực hơn khi áp lực điều chỉnh mở rộng khi có 387 mã giảm giá (4 mã giảm sàn), 233 mã tăng giá (15 mã tăng trần) và 171 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 16.799,07 tỷ đồng được giao dịch, tăng 2,33% so với phiên trước, dưới mức trung bình. Cho thấy áp lực điều chỉnh giá mạnh hơn phiên trước mặc dù thị trường vẫn có nhiều mã đột biến khá tích cực.
Khối ngoại giảm giao dịch, duy trì mua ròng trên HOSE với giá trị 86,47 tỷ đồng, tập trung mua ròng ở nhóm ngân hàng, chứng khoán; mua ròng trở lại trên HNX với giá trị 2,44 tỷ đồng.
Mặc dù thị trường chung chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình nhưng nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán lại có diễn biến nổi bật nhất, nhiều mã tiếp tục vượt và hướng đến vùng giá cao nhất tháng 9/2023 tương ứng VN-Index 1.250 điểm, khối lượng giao dịch đột biến như HCM (+4,38%), TVB (+4,11%), VFS (+1,10%), MBS (+0,83%)... ngoài các mã điều chỉnh IVS (-1,98%), VIG (-1,28%), BSI (-0,57%)....
Các cổ phiếu nhóm ngân hàng tiếp tục phân hóa mạnh, đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản gia tăng kém tích cực như KLB (-3,28%), OCB (-2,02%), TPB (-1,61%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ như PGB (+1,91%), ABB (+1,22%), SHB (+0,82%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình như NBB (-5,40%), NVL (-1,76%), IJC (-1,69%), NLG (-1,54%), ITC (-1,42%).... ngoài các mã phục hồi mạnh sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài với FIR (+7,00%), LDG (+6,71%)... hay NTL (+2,21%)...
Trong khi đó, các nhóm ngành khác cũng phân hóa mạnh, đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản dưới mức trung bình với các mã tích cực tập trung chủ yếu vào các mã đã có kết quả kinh doanh quý 4/2023 tích cực.
Xét ở góc độ kỹ thuật, VN-Index ghi nhận phiên giao dịch rung lắc điều chỉnh. Chỉ báo RSI và MACD ở khung đồ thị ngày đã hình thành đỉnh đầu tiên và tiếp tục hướng xuống cho thấy áp lực bán vẫn còn có thể gia tăng và ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ quanh khu vực 1.165 điểm.
Tuy nhiên, đường Senkou pan A và Senkou pan B vẫn đang hướng lên cho thấy thị trường vẫn đang nằm trong xu hướng tăng trung hạn và những nhịp điều chỉnh là cần thiết để VN-Index tiếp tục hướng lên các vùng điểm cao.
VCBS vẫn duy trì quan điểm, duy trì tỷ trọng cổ phiếu đối với nhà đầu tư dài hạn. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, có thể cân nhắc chốt lời những cổ phiếu cho dấu hiệu không phá vỡ được kháng cự. Đồng thời, gia tăng tỷ trọng với những mã kiểm định vững vùng hỗ trợ và đang trong quá trình tích lũy trước nhịp tăng mới.
Hạn chế việc mua mới Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Sau phiên sụt giảm mạnh thanh khoản hôm qua, thì hôm nay thanh khoản có tăng cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp, nên tín hiệu bán tháo vẫn chưa được xác nhận. Đây vẫn là nhịp chỉnh bình thường và chưa phá vỡ xu hướng tăng điểm đã thiết lập trong tuần trước.
Nhịp chỉnh này có khả năng sẽ đẩy VN-Index về vùng hỗ trợ 1.165 - 1.169 điểm sau đó mới quay lại xu hướng tăng để kiểm tra ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 - 1.210 điểm. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế việc mua mới và căn bán chốt lời khi VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự trên.
Hạn chế mua đuổi ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và hạn chế mua đuổi ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đồng thời, nhịp điều chỉnh có thể là cơ hội để các nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu Midcaps.
Tránh mua đuổi với các nhịp hồi phục sớm Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Áp lực bán liên tục gia tăng khi chỉ số tiến gần cận dưới vùng cản 1.185 (+/-10) điểm, làm suy yếu đà hồi phục của chỉ số. Trạng thái thị trường cũng trở nên tiêu cực hơn khi thiếu nhóm ngành dẫn dắt, nâng đỡ cho chỉ số.
Do đó, nhiều khả năng VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực rung lắc khi vận động trong vùng kháng cự 1.185 (+/-10) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi với các nhịp hồi phục sớm đầu phiên và chỉ trải lệnh mua tỷ trọng nhỏ các vị thế trading khi chỉ số về quanh 1.150 (+/-5) điểm.
VN-Index phụ thuộc vào lực cầu bắt đáy tại vùng 1.165 - 1.170 điểm Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong những phiên giao dịch tới, diễn biến của VN-Index phụ thuộc vào lực cầu bắt đáy tại vùng 1.165 - 1.170 điểm.
Giải ngân vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt Chứng khoán Đông Á (DAS)
VN-Index hiện giữ được xu hướng tăng trung hạn, tuy nhiên điều chỉnh ngắn hạn có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.160 điểm. Chiến lược có thể áp dụng là tiếp tục giải ngân vào các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt để đồng hành với xu hướng trung hạn của thị trường, quan tâm nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản dân cư, vật liệu xây dựng...
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Bảo Châu