Không loại trừ có người lợi dụng đấu giá để đẩy giá lên cao nhằm mục đích khác...
Chỉ trong 10 ngày, thị trường đất nền ở Hà Nội liên tiếp hứng chịu 2 "đợt sóng" từ những buổi đấu giá do chính quyền tổ chức. Theo đó, 2 phiên đấu giá với tổng số 87 lô đất ở 2 huyện ngoại thành là Thanh Oai và Hoài Đức ghi nhận sự tham gia của hơn 2.000 người, với khoảng hơn 3.000 hồ sơ.
Kết quả cuối cùng, tại huyện Thanh Oai, có lô đất được đấu trúng giá cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2 đã thiết lập thêm kỷ lục trong thị trường đất nền vùng ngoại thành Hà Nội. Tại huyện Hoài Đức, có lô trúng giá hơn 133 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần giá khởi điểm.
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, việc đấu giá đất vùng ven do các huyện thực hiện có giá cao vọt lên so với giá mặt bằng chung của thị trường, thậm chí có nơi gấp từ 2 - 3 lần. Hiện Sở đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ việc một nhóm đối tượng đi "kích sóng" đất nền.
"Công tác đấu giá đất do các địa phương tự tổ chức, tuy nhiên có vài phiên giá trúng cao vọt nên Sở chủ động vào cuộc nắm tình hình. Chúng tôi đang đợi thời điểm đến hạn nộp tiền trúng đấu giá để xem tình hình cụ thể thế nào. Việc thổi giá, tạo sóng sẽ khiến đất nền xung quanh khu vực đấu giá bị đẩy lên, khiến thị trường bất động sản không được phát triển bình thường, lành mạnh", vị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói và nhìn nhận đa số khách hàng tham gia đấu giá đất nền không phải do nhu cầu thật, có dấu hiệu liên kết hội nhóm vì động cơ gì đó.
Quả thực, theo tìm hiểu của Thương gia, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%. Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp 2 - 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến. Công cụ lịch sử giá của Batdongsan.com.vn còn cho thấy giá rao bán tại các xã lân cận trong huyện Hoài Đức dao động từ 22 - 62 triệu đồng/m2 trong quý 2/2024.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn đánh giá, kết quả đấu giá 19 lô đất ở huyện Hoài Đức với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn.
"Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 - 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo. Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác", ông Tuấn khuyến cáo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cũng không loại trừ có người lợi dụng đấu giá để đẩy giá lên cao nhằm mục đích khác vì số tiền họ bỏ ra ban đầu rất ít, nhưng nếu thành công họ sẽ thu lời nhiều từ việc khác.
Điều này gây hệ lụy rất lớn. Đầu tiên là người dân tại khu vực này muốn mua nhà đất ở sẽ rất khó khi giá đã bị đẩy lên rất cao, trong khi vẫn là vùng đất quê chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng. Tiếp theo là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương bởi các doanh nghiệp muốn về đây sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn để đền bù, làm hạ tầng, nguy cơ họ bỏ qua nơi khác rất lớn.
"Trong giai đoạn này, Hà Nội cũng như các địa phương khác không nên mang đất nền ra đấu giá. Vì chỉ vài chục nền đấu giá, nhà nước thu về không được bao nhiêu mà ảnh hưởng cả thị trường, ảnh hưởng cả nền kinh tế và đặc biệt là ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở thật của đại đa số người dân", ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị.
Thu Vân