Trả lời đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình về tuyến đường cao tốc chỉ cho chạy tối đa 80km, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và 60 km/giờ.
Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì mới có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long – Móng Cái hay Hà Nội – Hải Phòng.
Từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ. Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.
Đối với câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) về trách nhiệm trình dự án đầu tư không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ, trong kì trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Về cơ bản các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít.
Tuy nhiên có 3 dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, dự án đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Nguyên nhân là trong thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng thời gian dịch 2020-2021 dẫn đến khảo sát chưa được triệt để, ngoài ra nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn.
Về quan điểm của Bộ về phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2026, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Trong nhiệm kỳ này, hiện đã dành trên 375 nghìn tỷ để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đó mới chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.
Theo Bộ trưởng, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Chính vì thế, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo những nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.
Bộ trưởng nêu rõ, cần ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh đối với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh: Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành, Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu. Nguyên tắc thứ hai là đối với các tuyến nhu cầu vận tải chưa cao, thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt, còn các yếu tố kỹ thuật để nâng cấp đều phải đảm bảo. Cần thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn
Với những nguyên tắc trên, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về phân cấp, phân quyền đấu nối các công trình thiết yếu trên các tuyến quốc lộ, Bộ trưởng cho biết, năm 2021, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 117 về phân cấp, phân quyền liên quan đến quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó Chính phủ đồng ý giao UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào Quốc lộ.
Trước khi quyết định, địa phương phải có quy hoạch, trong quy hoạch tỉnh phải có quy hoạch đấu nối. Địa phương cũng phải có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật đảm bảo an toàn cho việc đấu nối trước khi quyết định. Các địa phương trong triển khai có gì vướng mắc thì cần liên hệ, làm việc với Bộ Giao thông vận tải.
Gia Hân