Được Trung Quốc hậu thuẫn, Argentina giành ưu thế trong cuộc đua khai thác “vàng trắng”

Argentina được cho là đang trên đà sánh ngang - hay thậm chí có khả năng vượt qua - nước láng giềng Chile để trở thành nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới vào năm 2030…
sản xuất lithium

Lithium, hay còn được nhắc đến như “vàng trắng” nhờ vào giá trị thị trường cao, là thành phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Lithium được đánh giá như một nền tảng cho các ngành công nghiệp quan trọng trên toàn thế giới, từ pin, năng lượng hạt nhân, giao thông vận tải, thiết bị kỹ thuật số, máy tính, hệ thống y tế và điều hòa không khí cho đến sấy khô công nghiệp.

Nhu cầu toàn cầu về lithium đã tăng vọt và được dự báo sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới vì kim loại này được sử dụng để cung cấp năng lượng cho xe điện - một giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Nhu cầu chung đối với pin Lithium-ion trên toàn thế giới đã bùng nổ từ chỉ 0,5 gigawatt giờ trong năm 2010 lên khoảng 526 gigawatt giờ một thập kỷ sau đó. Ước tính, thị trường pin Lithium-ion sẽ đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2030.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khu vực Mỹ Latin nắm giữ hơn một nửa trữ lượng lithium toàn cầu, chủ yếu nằm ở Bolivia (24%), Argentina (21%) và Chile (11%).

ARGENTINA SỞ HỮU TIỀM NĂNG LỚN

Với vị trí là nhà sản xuất lithium lớn thứ tư toàn cầu, Argentina đã xuất khẩu khoảng 40.000 tấn lithium carbonate vào năm 2022 và có kế hoạch đạt mốc 200.000 tấn mỗi năm vào năm 2025.

Mặc dù có nguồn tài nguyên lớn, nhưng khả năng cung cấp lithium của Argentina mới chỉ ở mức 6%, thấp hơn hẳn so với Chile là 26%, còn việc sản xuất lithium tại Bolivia là gần như không tồn tại.

Hiện tại, Argentina có hai dự án khai thác lithium, một ở tỉnh Catamarca phía bắc và một ở Salta lân cận. Cả hai hoạt động này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2024 và có thêm 10 dự án hiện đang được xây dựng.

Nhờ vào động lực ngày càng tăng lớn đằng sau sự bùng nổ trong khai thác lithium của quốc gia Mỹ Latin này, các nhà phân tích tại Eurasia Group kỳ vọng sản lượng lithium của Argentina sẽ tăng gấp 5 lần vào năm tới và khoảng 10 lần vào năm 2027.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group cho biết quỹ đạo sản xuất lithium của Argentina sẽ có tác động lớn tới triển vọng kinh tế vĩ mô của đất nước. “Cơ hội của Argentina để phát triển chuỗi cung ứng lithium và thậm chí cả pin xe điện là rất mạnh mẽ. Điều này không chỉ hữu ích cho riêng đất nước của họ mà còn hỗ trợ cho sự tiến bộ của ngành năng lượng toàn cầu”, báo cáo của Eurasia Group lưu ý.

Giá lithium carbonate đang có xu hướng đi xuống trong thời gian gần đây so với một năm trước. Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn, nhu cầu về lithium dự kiến sẽ tăng cao nhờ vào việc triển khai các dự án năng lượng sạch và công nghệ cao. Một số nhà phân tích tin rằng, giá lithium có thể tăng vọt lên mức cao kỷ lục khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

“Argentina có vô số nguồn tài nguyên chưa được khai thác. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quốc tế từ Trung Quốc, Mỹ, Nga … đang để ý nhiều hơn đến tiềm năng của Argentina trong khai thác lithium”, ông Mariano Machado, nhà phân tích chính khu vực Châu Mỹ tại Verisk Maplecroft, nói với CNBC.

Hiện tại, Chile là nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới chỉ xếp sau Úc và cũng là nhà tinh chế kim loại pin thiết yếu. “Mọi người đều cho rằng khi nói đến khai thác mỏ và lithium ở Mỹ Latin, người ta chỉ nghĩ đến Chile. Nhưng vấn đề là, bối cảnh khai thác mỏ ngày nay ở Chile đang trở thành một điểm đen vì nhà nước muốn can thiệp quá sâu vào lĩnh vực này. Trong khi ở Argentina, tình hình ngày một năng động hơn. Họ muốn thay đổi, muốn nỗ lực để trở thành một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng nhưng theo cách tích cực”, ông Machado giải thích.

“Argentina đã và sẽ tiếp tục trở thành một điểm nóng về lithium”, nhà phân tích của Verisk Maplecroft nhấn mạnh.

d5bb05896aa3fe67ef36661cb50419c0af86f377-16x9-x0y75w1440h810-508.jpg

HẬU THUẪN TỪ TRUNG QUỐC

Trung Quốc dự kiến sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành lithium của Argentina trong thời gian tới, mặc dù các nhà sản xuất phương Tây đang nắm giữ khả năng giành được thị phần trong dài hạn.

Các công ty khai thác mỏ Trung Quốc đang nhắm đến các dự án mới ở Argentina và cam kết đầu tư hàng triệu USD để theo đuổi “vàng trắng”, chính phủ Argentina nêu rõ trong một tuyên bố đầu tháng 6, sau chuyến thăm Thượng Hải của Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa.

Cụ thể, Tibetan Summit Resources sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD vào hai dự án Salar Arizono và Salar de Diablillos để sản xuất tổng cộng từ 50.000 đến 100.000 tấn lithium. Ganfeg Lithium, hiện có bốn dự án ở Argentina, sẽ rót 2,7 tỷ USD vốn để sản xuất 74.000 tấn lithium carbonate.

Một tập đoàn lớn khác của Trung Quốc, Tsingshan Holding cũng hứa hẹn đầu tư 120 triệu USD vào nhà máy xử lý clo kiềm ở Jujuy và 770 triệu USD cho dự án lithium Salar Centenario-Ratones ở tỉnh Salta, sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2024 với công suất 24.000 tấn mỗi năm, theo chia sẻ của công ty Minería y Desarrollo.

Ngoài ra, vào nửa cuối năm 2023, mỏ lithium Olaroz-Cauchari - thuộc sở hữu của công ty Exar có hai cổ đông lớn nhất là Jiangxi Ganfeng Lithium Co. Ltd (Trung Quốc) và Lithium Americas Corp (Canada) - sẽ đi vào hoạt động. Và như một phần của thỏa thuận, mỏ sẽ gửi 40.000 tấn lithium mỗi năm sang Trung Quốc, trang tin Ámbito Financiero của Argentina đưa tin.

Jorge Serrano, chuyên gia an ninh và thành viên nhóm cố vấn của Ủy ban Tình báo Quốc hội Peru, nói với tờ Diálogo: “Argentina cùng với Bolivia và Chile tạo thành tam giác lithium, chiếm khoảng 55% trữ lượng thế giới. Trong số ba quốc gia, hầu hết các mỏ lithium đều có sự hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc”.

lithium-triangle-argentina-1000x565-1-3907.png
"Tam giác lithium" sở hữu 55% trữ lượng của thế giới

Ngoài Argentina, Trung Quốc còn đầu tư vào các nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới ở Úc và mở rộng tầm ảnh hưởng ở một số quốc gia có trữ lượng lớn nhưng chưa được khai thác như Bolivia.

“Việc khai thác khoáng sản là một dự án rất tham vọng và tích cực của Trung Quốc nhằm sở hữu trữ lượng lithium ở Nam Mỹ”, ông Serrano lưu ý.

Mặt khác, một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã cảnh báo về sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực lithium, ông Serrano chia sẻ và kết luận: “Mỹ đang triển khai nhiều biện pháp để phát triển một chiến lược nhanh chóng và hiệu quả nhằm chống lại sự áp đảo của Trung Quốc trong lĩnh vực lithium, bởi Trung Quốc luôn chủ động tham gia vào tất cả mọi thứ. Và Bắc Kinh không làm bất cứ điều gì mà không có mục đích đằng sau”.