Dự án Đà Lạt Plaza của Công ty Du lịch Delta có trụ sở tại huyện Đạ Huoai, do ông Ngô Chí Thông làm Tổng Giám đốc. Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2008, diện tích đầu tư gần 3,978m2; tại số 23 Phan Như Thạch (nay là số 33), phường 1, Đà Lạt...
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản về đề nghị thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao đất của Công ty Cổ phần Du lịch Delta (dự án Đà Lạt Plaza) và kiến nghị của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) về dự án đang thuộc diện ngăn chặn giao dịch do liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao đất (nộp tiền sử dụng đất) của Công ty Cổ phần Du lịch Delta tại Phường 1, thành phố Đà Lạt và kiến nghị của ngân hàng SCB; thực hiện ý kiến thống nhất của tập thể Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 10/6/2024.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát về tiến độ thực hiện dự án Đà Lạt Plaza của Công ty Cổ phần Du lịch Delta tại số 33 Phan Như Thạch, phường 1, thành phố Đà Lạt; đối chiếu với quy định của pháp luật về đầu tư để xử lý theo quy định; đồng thời, thực hiện đầy đủ điều kiện, thủ tục để đề xuất chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo đúng quy định.
Tờ trình số 171/TTr-STNMT ngày 3/5/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự án Đà Lạt Plaza của Công ty Du lịch Delta, trụ sở tại huyện Đạ Huoai, do ông Ngô Chí Thông làm Tổng Giám đốc. Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3/2008, diện tích đầu tư gần 3,978m2; tại số 23 Phan Như Thạch (nay là số 33), phường 1, thành phố Đà Lạt.
Mục tiêu xây dựng khu liên hợp khách sạn và trung tâm thương mại; công trình kiến trúc chủ yếu như khối tầng hầm, khối dịch vụ thấp tầng (trệt – lầu 3), khối cao tầng (lầu 4-14). Tổng vốn đầu tư thời điểm đó là 267 tỷ đồng. Tiến độ từ 2008-2010, được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý gia hạn thêm 24 tháng, kể từ ngày 12/4/2019.
Đến ngày 24/3/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản điều chỉnh thời gian đưa đất vào sử dụng đã được gia hạn vào ngày 12/4/2019 đến hết tháng 12/2022 nhằm bù đắp khoảng thời gian chờ kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh của Thanh tra Chính phủ và những lý do khách quan do phải lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc cho phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty Du lịch Delta đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 2/11/2007, diện tích gần 3,378m2, mục đích là đất cơ sở sản xuất kinh doanh đến hết ngày 21/6/2057 và nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Dự án đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Ủy ban nhân dân tỉnh vào tháng 1/2009, giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng vào tháng 4/2008 và tháng 8/2022.
Ngày 28/2/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các Sở ngành liên quan và Công ty Du lịch Delta họp rà soát tình hình triển khai dự án và xác nhận đến nay công ty chưa triển khai xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng tháng 8/2022. Dự án chậm tiến độ 35 tháng so với văn bản gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng ngày 12/94/2019, chậm 14 tháng so với văn bản điều chỉnh bù đắp dịch bệnh Covid-19 tháng 3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết đại diện Công ty đã thống nhất các nội dung tại biên bản họp và đã ký xác nhận.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ biên bản này để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét thu hồi toàn bộ diện tích đất theo quy định, đồng thời đề xuất giao Cục thuế tỉnh rà soát và truy thu các nghĩa vụ tài chính có liên quan trên diện tích đất thu hồi (nếu có) của Công ty Du lịch Delta.
Được biết, ngày 1/3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản rà soát tình hình triển khai dự án Đà Lạt Plaza cho thấy công ty chỉ mới tiến hành rà phá bom mìn, khoan khảo sát địa chất, đo đạc hiện trạng và địa hình khu đất, chưa triển khai xây dựng hạng mục công trình.
Còn theo văn bản của ngân hàng SCB gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết dự án Đà Lạt Plaza hiện đang là tài sản bảo đảm cho khoản cấp tín dụng của Công ty Cổ phần Đầu tư Oak Hill (gọi tắt là Oak Hill) tại SCB với nợ gốc tính đến 30/4/2024 là 734 tỷ đồng theo hợp đồng thế chấp tài sản vào ngày 15/11/2018.
Trường hợp các Cơ quan ban ngành của tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, chấm dứt dự án sẽ khiến khoản vay với dư nợ đặc biệt lớn này không còn tài sản bảo đảm, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hồi nợ của SCB, gây ảnh hưởng “rất nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của SCB”.
SCB cũng cho hay, tài sản bảo đảm này đang thuộc danh sách ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhượng theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) do liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm đang được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định pháp luật.
Trường hợp tỉnh quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án, làm thay đổi hiện trạng của tài sản này khi mà các vụ án có liên quan chưa được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả của tội phạm, văn bản của Ngân hàng nêu.
Qua đó, SCB đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng xem xét thu hồi đất, chấm dứt hoạt động đối với dự án Đà Lạt Plaza cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Minh Phương