Ngân hàng Nhà nước đang đốc thúc chuyển giao bắt buộc Oceabank, CB và GP Bank

Thống đốc NHNN cho biết đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với ba ngân hàng này.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trình bày báo cáo về công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thống đốc cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của ba ngân hàng mua bắt buộc. Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các TCTD 2024 để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với ba ngân hàng này.

Ngoài ra, NHNN tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Đối với các TCTD phi ngân hàng yếu kém, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan rà soát để tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án xử lý. Với TCTD nước ngoài hoạt động kém hiệu quả, rủi ro cao hoặc chưa đáp ứng chuẩn mực an toàn được cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, NHNN cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài, khó khăn.

Quá trình này phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Đồng thời, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.

Thêm vào đó, việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

Ngoài ra, lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp: triển khai đề án cơ cấu lại; hoàn thiện khung pháp lý theo Luật các TCTD 2024 và chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao hoàn chỉnh phương án, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.

Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5. Việc này cũng sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Hiện tại, Vietcombank đang hỗ trợ cho vay và hỗ trợ toàn diện CBBank; MB đang hợp tác toàn diện với OceanBank còn VPBank được cho là đang tiếp cận GP Bank.

Ngoài ra, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt từ cuối năm ngoái sau khi xảy ra vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai cơ cấu lại.

Quay trở lại báo cáo của Thống đốc NHNN, báo cáo cũng cho biết tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa TCTD, TCTD và doanh nghiệp theo báo cáo của TCTD đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây.

Về những khó khăn trong việc xử lý sở hữu chéo, Thống đốc cho biết tính trạng này liên quan đến nhiều đối tượng, thuộc sự quản lý của nhiều bộ ngành. NHNN chỉ quản lý các TCTD nên không có thông tin, công cụ để kiểm soát những lĩnh vực khác.

Báo cáo cho biết NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.