Chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt cần "may đo" nhưng không "may sẵn"

Năm 2023, bức tranh kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công nhất định nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp cần phải đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số để đương đầu với những cơn gió ngược trong nền kinh tế...
 

Chuyển đổi số không phải là một câu chuyện mới tại Việt Nam. Hoạt động này đòi hỏi phải tái cấu trúc cơ bản khuôn khổ vận hành của một tổ chức. Mục tiêu của sự chuyển đổi này là liên tục triển khai công nghệ ở quy mô lớn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Khác với các cuộc đại tu kinh doanh thông thường, chuyển đổi số là những nỗ lực lâu dài và liên tục, định hình lại cách hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, các bộ phận trong một doanh nghiệp cần phải hợp tác hoạt động theo những cách đổi mới sáng tạo.

Bà Đỗ Thị Hương Lan, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, quá trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những quả ngọt. Trong năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực đầu tư việc phát triển khoa học công nghệ.

DOANH NGHIỆP DẦN CHUYỂN MÌNH

Trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tham gia M&A trong lĩnh vực công nghệ. Với lĩnh vực công nghệ số, điểm nổi bật nhất của làn sóng M&A chính là hoạt động thâu tóm công ty công nghệ liên quan tới phần mềm, ứng dụng.

Các tập đoàn trong nước đã mua lại công ty công nghệ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số như Vinmec mua lại Vicare, Masan mua lại Mobicat và Galaxy Media & Entertainment sở hữu cho mình trang Hocmai.

Bên cạnh đó, nhiều công ty công nghệ lớn đã mua lại các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu để nâng cấp và mở rộng hệ thống kinh doanh. Có thể kể đến, FPT đã mua lại Base vào năm 2021, Momo mua lại Nhanh.vn và sàn thương mại điện tử Tiki mua lại Ticketbox.

7-9674.png

Đa số các công ty, tập đoàn lớn và vừa đã chủ động tìm kiếm các thương vụ M&A để giúp họ nâng cao năng lực công nghệ và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số để tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động.

Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát, đa số doanh nghiệp nhỏ chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ chuyển đổi số.

3-6612.png
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp

Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, có nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ cho hơn 8.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2024 là 140 tỷ đồng, dự kiến tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 800 doanh nghiệp.

Hiện, Cục Phát triển doanh nghiệp đã xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và nhận được hưởng ứng tích cực từ phía doanh nghiệp. Với hơn 2 triệu lượt tiếp cận thông tin và 30.000 lượt tải xuống các tài liệu đào tạo chuyển đổi số, đã có hơn 5.000 doanh nghiệp thông tin đã sẵn sàng chuyển đổi số trên Cổng thông tin hỗ trợ.

Đáng chú ý, bà Trịnh Hương cũng nhấn mạnh đến xu hướng “Chuyển đổi kép”, chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Có thể thấy, một số các quốc gia trên thế giới đang hướng tới xu thế này. Đơn cử như Đức, quốc gia này đã thành công trở thành nền kinh tế giảm thiểu carbon nhờ việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Ở Singapore, doanh nghiệp tại quốc gia này đã ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực quản lý môi trường xây dựng và vận hành tòa nhà. Cùng trong bối cảnh này, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trầm trồ trước nền nông nghiệp thông minh của Thụy Sĩ.

Tương tự các quốc gia khác, tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp.

Đơn cử, thực tiễn doanh nghiệp ngành dược tại Việt Nam, ông Vương Đình Vũ, Giám đốc BuyMed, Hội doanh nghiệp Dược Việt Nam đã đưa ra một số kết quả sau chuyển đổi số trong ngành dược phẩm. Hơn 30.000 nhà thuốc và phòng khám tiết kiệm 75% thời gian, 80% vốn lưu động và 50% chi phí vận chuyển.

Các chuyên gia nhận định, chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh là một xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp Việt cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

CHUYỂN ĐỔI SỐ KHÔNG PHẢI CHIẾC ÁO “MAY SẴN”

Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế CIEM cho hay, chuyển đối số của các doanh nghiệp Việt là điều bắt buộc và là một cơ hội chưa từng có. Để tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số cần "may đo" nhưng không "may sẵn".

4-6399.png
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế CIEM

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 25% GDP. Thế nhưng, mục tiêu này vô cùng thách thức khi ước tính ban đầu của Tổng cục thống kê, năm 2023 con số này chỉ chiếm khoảng gần 13%. Trong số này, kinh tế số đa phần đến từ hoạt động sản xuất phần cứng máy tính, IT, thiết bị điện tử.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế CIEM bày tỏ mong muốn, tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam không chỉ là công nghiệp, dịch vụ mà còn cả nông nghiệp đều phải “ấn được số” vào hoạt động vận hành.

5-4577.png
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm sáng tạo đổi mới quốc gia (NIC)

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm sáng tạo đổi mới quốc gia (NIC) nhận định, hoạt động đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số cần tập trung vào 4 lĩnh vực gồm ngành nông nghiệp, ngành dịch vụ, ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông và các vùng kinh tế.

Để làm được điều này, Phó giám đốc Trung tâm sáng tạo đổi mới quốc gia (NIC) cho hay, cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế và trong nước, về kỹ thuật thì kết hợp các công nghệ mới, về kinh tế nên tích hợp kinh tế số và kinh tế chia sẻ.

Các chuyên gia cũng nhắc đến quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Việt đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quản llý

Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, đây chính là kênh vay vốn để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững. Quỹ đang hỗ trợ các nhóm đối tượng gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành; tham gia chuỗi giá trị.

Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo 4 hình thức gồm cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp, tài trợ vốn, hỗ trợ tăng cường năng lực. Một trong những nội dung mà doanh nghiệp quan tâm nhất khi vay vốn từ Quỹ đó là ưu đãi khi nhận hỗ trợ.

6-3551.png
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông Phan Thanh Hà thông tin, lãi suất cho vay của Quỹ bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ.

Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một doanh nghiệp không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ.

Bên cạnh đó, thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm. Đặc biệt, doanh nghiệp được miễn phí trả nợ trước hạn.

Tin liên quan