Báo động tình trạng tấn công mạng do vi phạm bản quyền

Nhiều ngành trọng yếu của Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng cao do sử dụng các phần mềm không bản quyền, theo Liên minh Phần mềm toàn cầu (BSA).

Liên minh Phần mềm toàn cầu đã đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm trong nước.

Tình trạng vi phạm, sử dụng phần mềm không có bản quyền tại Việt Nam đang ở mức báo động. Số liệu từ BSA cho thấy, trong những tháng đầu năm 2024, khoảng 75% phần mềm được sử dụng trong nước không có bản quyền​.

Cách đây 10 năm, BSA đã cảnh báo mối nguy từ việc sử dụng phần mềm không bản quyền nói chung tại Việt Nam. 

Theo một nghiên cứu trước đó, từ những năm 2000, tình trạng sao chép đĩa lậu chứa các bộ phim, âm nhạc, các phần mềm kèm theo bản crack như hệ điều hành Windows, Microsoft Office, Adobe, AutoCAD hay game lậu đã dần trở nên phổ biến. Tỷ lệ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng phần mềm lậu thời điểm này lên tới trên 97%.

Việc sử dụng phần mềm không bản quyền gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. 

Đầu tiên, làm tăng nguy cơ an ninh mạng, với các hệ thống máy tính dễ bị tấn công và nhiễm mã độc. Các phần mềm không có bản quyền thường không được cập nhật các bản vá bảo mật kịp thời, tạo ra lỗ hổng cho tin tặc khai thác​.

Theo nghiên cứu của BSA, tỷ lệ máy tính và thiết bị nhiễm phần mềm độc hại lên tới 29% khi sử dụng phần mềm không bản quyền. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tấn công mạng gia tăng, với tỷ lệ các sự cố đến từ phần mềm độc hại trên người dùng cuối lên đến 56%.

Trong năm 2023, Công ty cổ phần công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam, trung bình 1.160 vụ mỗi tháng, tăng 9,5% so với năm 2022. 

Những mục tiêu chịu nhiều cuộc tấn công nhất bao gồm các cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác.

Việc sử dụng phần mềm không có bản quyền gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. 

Dự báo đến cuối năm 2024, thiệt hại từ các cuộc tấn công mạng toàn cầu có thể đạt đến 10.500 tỷ USD, với chi phí trung bình mà doanh nghiệp phải trả cho các đối tượng trong mỗi cuộc tấn công là 26.000USD.

Khi hệ thống máy tính của các nhà sản xuất và nhà cung cấp bị tấn công, hacker có thể can thiệp vào hệ thống sản xuất, cung cấp dịch vụ của những ngành công nghiệp quan trọng, gây ra những hậu quả khó lường.

Trong kỷ nguyên kĩ thuật số, nhiều vật dụng, sản phẩm có khả năng tự hành cao và kết nối trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, làm tăng nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng và các tổ chức tội phạm có thể sử dụng các dữ liệu này cho hoạt động lừa đảo hoặc bán dữ liệu khách hàng để kiếm lời.

Để hạn chế rủi ro tấn công mạng, BSA khuyến nghị việc sử dụng phần mềm có bản quyền, bao gồm hệ điều hành bản quyền và các phần mềm chính hãng có trả phí. Điều này giúp doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ các công ty cung cấp phần mềm, đảm bảo phần mềm luôn được cập nhật và bảo mật.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo mật, đồng thời nâng cao kiến thức và trách nhiệm của mỗi chủ doanh nghiệp và người lao động về bảo mật thông tin cá nhân và dữ liệu của doanh nghiệp.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với BSA và các cơ quan liên quan để thực hiện thanh kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm bản quyền phần mềm. 

"Các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo việc sử dụng phần mềm có bản quyền hợp pháp ngay từ bây giờ", ông Liêm nhấn mạnh.