Cuộc đua thiết lập mạng di động 6G

Mạng di động thế hệ thứ 6 hay còn được gọi là 6G, đang được dự báo tạo ra cuộc cách mạng mới trong lịch sử công nghệ di động. Tiếp nối sự thành công của thế hệ 5G, nhiều quốc gia và các tập đoàn viễn thông đang đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới này.

Những bước tiến lớn

Theo Live Science, 4 công ty Nhật Bản là DOCOMO, NTT, NEC và Fujitsu gần đây đã ra mắt thiết bị 6G đầu tiên trên thế giới, có khả năng truyền dữ liệu với tốc độ 100 Gbps. Thử nghiệm được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy, thiết bị không dây 6G có thể đạt tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 10 lần so mạng 5G ở thời kỳ đỉnh cao, và nhanh hơn 500 lần so một chiếc điện thoại thông minh 5G trung bình.

Bốn công ty này đã bắt đầu phát triển thiết bị cho công nghệ 6G từ năm 2021 và thử nghiệm vừa qua được xem là một bước tiến lớn bởi tác động của 6G không chỉ dừng lại ở tăng tốc độ truyền dữ liệu. Theo GS Swarun Kumar, Trường đại học Carnegie Mellon (Mỹ): “Kết nối không dây nhanh hơn ngoài giúp truyền video nhanh hơn, tải dữ liệu nhanh hơn thì còn có tiềm năng thúc đẩy loạt ứng dụng công nghệ mới như xe kết nối mạng, nhà máy thông minh, thực tế ảo tăng cường”.

Trước đó, từ năm 2022, Nhật Bản đã thành lập quỹ nghiên cứu 6G với ngân sách 450 triệu USD cho tài khóa 2023. Theo Nikkei, được thành lập tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông quốc gia Nhật Bản, quỹ này nhằm hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G. GS Kumar phân tích: “Với ưu thế về công nghệ tiên tiến trong truyền thông quang học là xương sống của mạng 6G, Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách củng cố lợi thế công nghệ của mình”.

Tương tự, vào ngày 3/2/2024, “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc China Mobile vừa phóng thử nghiệm hai vệ tinh quỹ đạo thấp tích hợp 5G và 6G đầu tiên trên thế giới. Theo tuyên bố của China Mobile, vệ tinh “China Mobile 01 Star” là thiết bị đầu tiên trên thế giới có dùng để thử nghiệm công nghệ phát 5G từ vệ tinh. Trạm gốc mà nó mang theo có thể tận dụng lợi thế vùng phủ sóng rộng của vệ tinh để truyền tín hiệu 5G đến những nơi mà mạng mặt đất không thể phủ sóng. Vệ tinh còn lại là “Star Core Verification Star”, được tích hợp hệ thống triển khai thử nghiệm 6G. Hệ thống vệ tinh kép này được sử dụng để thử nghiệm công nghệ liên lạc quỹ đạo mặt đất tích hợp bằng cách kết hợp các vệ tinh quỹ đạo thấp với mạng liên lạc di động mặt đất, có ưu điểm là độ trễ thấp và tốc độ truyền dữ liệu cao.

Châu Âu tăng tốc

Cuộc đua nghiên cứu và phát triển mạng di động thế hệ mới 6G đang nóng dần trên toàn cầu, khi các cường quốc châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều có kế hoạch đầu tư lớn. Trong cuộc đua phát triển công nghệ 6G đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo EU đang cùng Nhật Bản, Mỹ và một số đối tác khác phát triển 6G, trí tuệ nhân tạo (AI)…

Các nhà nghiên cứu của EU và Mỹ đã công bố một số dự án tích hợp AI vào mạng 6G, do Quỹ Horizon Europe và Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ đồng tài trợ. Tính đến tháng 10/2023, khoản tài trợ của EU cho danh mục đầu tư mới này theo chương trình Horizon Europe là khoảng 130 triệu euro. EC và Hiệp hội Công nghiệp dịch vụ và mạng thông minh 6G (6G-IA) đã đồng chủ trì thành lập Dự án chung về Dịch vụ và mạng thông minh châu Âu (SNS JU) vào năm 2021.

Dự án chung nói trên trở thành nền tảng hợp tác và là công cụ để thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới cho các mạng và dịch vụ thế hệ tiếp theo. Theo tờ The Washington Post, cách tiếp cận hai trụ cột của SNS JU là vừa hỗ trợ triển khai 5G và vừa nghiên cứu nâng cao về hệ thống 6G, tạo ra sự liên tục cho các bên tham gia thuộc EU nhưng cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu tốt nhất, cũng như đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngành công nghiệp để củng cố phía chuỗi cung ứng của EU, đồng thời ủng hộ hợp tác quốc tế hướng tới thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu 6G.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Trung tâm Nghiên cứu và đổi mới (UKRI) là cơ quan tài trợ quốc gia đầu tư vào khoa học và nghiên cứu tại Anh, đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 40 triệu bảng để hỗ trợ các dự án nhằm xây dựng hệ thống truyền thông 6G trong tương lai. Theo tạp chí điện tử Electronics Weekly, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc là bốn nước đang dẫn đầu về chỉ số sẵn sàng phát triển công nghệ 6G, với mạng lưới cơ sở hạ tầng và công nghệ. Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Đức và Australia là những cái tên cạnh tranh bám đuổi quyết liệt.

Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Liên minh Bharat 6G (B6GA) để dẫn đầu sự phát triển công nghệ 6G tại nước này. Trong khi đó, nhà cung cấp di động Phần Lan Nokia đã vạch ra kế hoạch đầu tư 360 triệu euro vào thiết kế phần mềm, phần cứng và chip phục vụ mạng 6G. Chính phủ Hàn Quốc cho biết tham vọng của nước này là trình diễn công nghệ tiền 6G vào năm 2026...

Mạng di động 6G được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng ứng dụng mới dựa trên kết nối liền mạch và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, góp phần phát triển nhiều lĩnh vực như internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh và thậm chí cả những trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường. Theo PCMag, các thế hệ mạng di động mới thường tận dụng những phương pháp mã hóa số tiên tiến, vượt qua khả năng xử lý của các máy tính cũ. Hơn nữa, 6G cung cấp băng tần rộng hơn, phạm vi phủ sóng rộng và thông minh hơn.

Cuộc bám đuổi của doanh nghiệp tư nhân

Theo Nikkei, hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc, Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan kiểm soát hơn 70% thị trường toàn cầu đối với các trạm gốc di động, công nghệ nền tảng của mạng 6G. Đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông Thụy Điển Ericsson cũng nhận định 6G sẽ đem lại dịch vụ y tế chính xác, nông nghiệp thông minh, điều khiển robot cùng nhiều công nghệ tiên tiến khác, là cơ hội kinh doanh không thể bỏ lỡ.

Là công ty đã cung cấp các giải pháp 5G tiêu chuẩn cho hơn 110 khách hàng trên toàn cầu, Ericsson đã tham gia một số dự án hợp tác nghiên cứu, bao gồm dự án Hexa-X, IMT-2030 và Next G Alliance, khám phá các công nghệ tiềm năng để hỗ trợ khả năng kết nối vô hạn. “Theo quan điểm của chúng tôi tại Ericsson, chúng tôi đã xác định rằng việc tạo ra mạng 6G vào năm 2030 sẽ đòi hỏi những tiến bộ công nghệ lớn trong bốn lĩnh vực chính: Kết nối không giới hạn, hệ thống đáng tin cậy, mạng nhận thức và kết cấu điện toán mạng”, Ericsson cho biết.

Theo Technology Magazine, bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu 6G từ năm 2017, Huawei đặt mục tiêu 6G sẽ cho phép “chuyển đổi từ con người và vạn vật được kết nối sang trí tuệ được kết nối”. Công ty đã xuất bản sách trắng “6G: The Next Horizon”, trong đó đưa ra tầm nhìn 6G, khám phá các khả năng chính của 6G, các trường hợp và yêu cầu sử dụng mới và những thay đổi mô hình trong thiết kế kiến ​​trúc mạng và giao diện không dây.

Trong khi đó, Nokia đã công bố phòng thí nghiệm Bell Labs, dự kiến ​​sẽ ra mắt thương mại hóa 6G vào năm 2030. “Giai đoạn tiêu chuẩn hóa 1 có thể sẽ bắt đầu từ năm 2025, dẫn đến thông số kỹ thuật 6G đầu tiên vào năm 2028. Tiếp theo đó sẽ là triển khai thương mại vào khoảng năm 2030”, công ty này cho hay.

Hiện các nhà nghiên cứu của Samsung đang nỗ lực tiêu chuẩn hóa thế hệ công nghệ truyền thông tiếp theo. Vào tháng 10/2022, Samsung thông báo rằng một nhóm nghiên cứu mới, tập trung vào phát triển công nghệ cho mạng và thiết bị 6G, được thành lập tại Anh nằm trong dự án phát triển 6G toàn cầu của Samsung. Công ty công nghệ LG đã hợp tác với nhiều công ty và tổ chức khác nhau để thể hiện cam kết đối với 6G. Năm ngoái, LG đã thử nghiệm thành công việc truyền và nhận dữ liệu 6G trong khoảng cách 320 m ngoài trời. TS Lee Ki-dong, Chủ tịch Nhóm Công tác ứng dụng của Phòng thí nghiệm nghiên cứu và tiêu chuẩn, chi nhánh LG tại Mỹ, cho biết LG đang dẫn đầu một nỗ lực bao gồm sự hợp tác của hơn 100 công ty với mục đích “tích cực đẩy nhanh lộ trình tiến đến 6G”.

Về phía Mỹ, Qualcomm và Tập đoàn viễn thông Mỹ AT&T nằm trong số những công ty dẫn đầu con đường hướng tới 6G. Trong khi đó, hãng công nghệ Orange tích cực tham gia vào một số dự án nghiên cứu hợp tác 6G và các sáng kiến ​​hàng đầu, bao gồm dự án Hexa-X của châu Âu và Diễn đàn Toàn cầu về công nghệ 6G. Ngoài ra, các nhà quan sát cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy hãng công nghệ Apple cũng đã bắt đầu nghiên cứu của riêng mình về 6G.

Tin liên quan