Năm 2024, Việt Nam chính thức tuyển sinh chuyên ngành Game

Trong 2 - 3 năm tới, dự kiến Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành Game.

Theo các chuyên gia kinh tế, đến hết năm 2023, doanh thu ngành Game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Đáng chú ý, doanh thu ngành Game tại khu vực Đông Nam Á đã tăng từ 2,4 tỷ USD (2019) lên hơn 5,3 tỷ USD (2023).

Có thể thấy, Game (trò chơi điện tử) là một trong những mảng công nghệ có sức hút lớn và tạo ra dư địa khai thác cao trên thị trường. Để phát triển ngành Game, giáo dục là một trong những yếu tố cốt lõi. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 100 trường đại học, bao gồm cả những đại học top đầu đang đào tạo ngành này.

Năm 2024, Việt Nam chính thức tuyển sinh chuyên ngành Game
Ở nhiều nước, Game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0

Tại Việt Nam, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Game, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành Game. Cụ thể, từ tháng 9/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ chính thức tuyển sinh chuyên ngành về Game với chỉ tiêu 200 sinh viên.

Đây là thông tin được ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại sự kiện công bố các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm Game Quốc tế Vietnam GameVerse 2024.

Trước đó, trong cuộc họp báo tháng 4/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do đã khẳng định, ngành Game ở đây không phải là ngành chơi Game. Rất nhiều người đã có lầm tưởng, định kiến như vậy về ngành này. Ngành Game là hệ sinh thái sản xuất Game, phát hành Game và các hoạt động liên quan đến Game. Ở nhiều nước, Game là ngành công nghiệp không khói chủ lực trong thời đại 4.0.

Năm 2024, Việt Nam chính thức tuyển sinh chuyên ngành Game 2
Ngành Game Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển

Trong 2 - 3 năm tới, dự kiến Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành Game nói chung và ngành eSports (thể thao điện tử) nói riêng. Do đó, để Việt Nam theo kịp xu thế phát triển ngành trên thế giới, việc xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này là rất cần thiết.

Ngoài chuyên ngành Game tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kết nối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường đại học khác bổ sung đào tạo chuyên ngành Game trong 5 năm tới.

Trước đó, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) và Tổ chức giáo dục Pearson Vương quốc Anh đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về đào tạo eSports. Đây là chương trình đào tạo ngành eSports ở trình độ cao đẳng đầu tiên tại Việt Nam.