Ô tô và chiến lược 'Đào thải non'

Mọi sự hư hỏng, cần thay thế của các sản phẩm tiêu dùng thời nay dường như đã được "lập trình" theo chiến lược gọi là: Đào thải non.

Đợt phong tỏa Covid ngày trước, màn hình phẳng Sony nhà tôi “đình công” chỉ qua bảo hành (2 năm) có vài tháng. Bạn sửa tivi đã cảnh báo thế hệ tivi mỏng phẳng lì này nhanh hư hơn “thế hệ gù lưng” nhiều, mà đã hư thì hầu hết phải thay màn hình, giá bằng 50% nguyên chiếc. Mà tivi đời mới ra liên tục, giá lại giảm nữa, thì tốt nhất là thêm tiền mua nguyên cái mới! Vậy là người tiêu dùng luôn được xài đồ mới mà người sản xuất bán được nhiều hàng, kinh tế thế mới phát triển!

Ô tô và chiến lược 'Đào thải non'
Tuổi thọ của các bộ phận trên xe ngày càng “non”

Các xe hơi đời mới cũng chả khác. Tuổi thọ của các bộ phận trên xe ngày càng “non”. Như dàn lạnh xe thế hệ "ơ kìa" toàn bằng đồng - đúng nghĩa “nồi đồng cối đá”, thì nay chỉ xài bằng thép, rất nhanh mục - bạn kỹ thuật viên hãng xe nói với tôi thế.

Cái chân lý "Của bền tại người" vẫn chuẩn, có điều "người" ở đây đã thay đổi. Xưa nó là người sử dụng. Nay nó là người sản xuất. Mọi sự hư hỏng, cần thay thế của các sản phẩm tiêu dùng thời nay dường như đã được "lập trình" theo chiến lược gọi là: Đào thải non.

Tác giả Ngọc Hân trên báo Người đô thị, giải thích nguyên lý của cái gọi là Đào thải non này như sau: "Sản phẩm được hình thành bởi sự tích hợp của nhiều cấu phần. Vòng đời của sản phẩm phụ thuộc vào tuổi thọ thấp nhất của một trong các thành phần cấu tạo. Khi thành phần có tuổi thọ thấp nhất bị hư hỏng – trong khi các cấu phần khác vẫn còn sử dụng được – thì sản phẩm cũng cũng kết thúc vòng đời (lý thuyết) của nó. Đó là một trong các nguyên lý được sử dụng để “đào thải non sản phẩm”.

Cứu cánh (mục đích cuối cùng) của chiến lược Đào thải non đơn giản là gia tăng lợi nhuận.

Trong bối cảnh gần như tất cả đều cạnh tranh về giá - giữ giá, giảm giá để hấp dẫn người tiêu dùng, để tăng lợi nhuận, nhà sản xuất trông chờ vào tăng sản lượng, tức tăng số lượng tiêu thụ. Như chiếc xe điện mini Wuling Hongquang, ước tính mỗi chiếc xe bán ra nhà sản xuất chỉ lãi 14 USD/đầu tư sản xuất, bù lại, doanh số bán lên tới hàng triệu chiếc.

Và cách đẩy sản lượng ổn định nhất là giảm vòng đời của sản phẩm.

Ô tô và chiến lược 'Đào thải non' 2
Một bãi rác ô tô ở Trung Quốc

Khỏi cần phân tích dài dòng, hệ quả của chiến lược Đào thải non chính là đẩy nhanh hơn việc khai thác tài nguyên do sử dụng kém hiệu quả đồng thời tăng lượng rác xả thải dưới nhiều hình thức. Trước Tết, các chung cư ở quê tôi tổng vệ sinh hầm xe và kết quả là rất nhiều nơi thu gom được hàng trăm xe đạp xe máy vô thừa nhận. Thế mới chỉ là khúc dạo đầu so với những bãi rác ô tô ở Trung Quốc.

Khổ nỗi đa số chúng ta vẫn được ru bằng lý thuyết hưởng thụ đi, đời ngắn mà. Thành công được định nghĩa bằng đổi điện thoại mới, xe mới... trước thiên hạ. Không có... mới thì biết lấy gì mà khoe, mà nuôi facebook chứ!?

Tin liên quan