Hàng loạt nhà phát triển công nghệ sạch và chất bán dẫn đã công bố các dự án với tổng trị giá hơn 220 tỷ USD kể từ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật chip vào tháng 8/2022…
Một năm trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng một kỷ nguyên mới trong chính sách công nghiệp của Mỹ khi chính thức ký thành luật Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và Đạo luật Khoa học và Chips. Cả hai đạo luật đã cung cấp hơn 400 tỷ USD tín dụng thuế, khoản vay và trợ cấp, tất cả được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và công nghệ sạch địa phương.
224 TỶ USD VÀ 100.000 VIỆC LÀM
Theo báo cáo của Financial Times, đã có ít nhất 224 tỷ USD dự án sản xuất chất bán dẫn và công nghệ sạch đã được công bố tại Mỹ kể từ khi IRA và Đạo luật Chips được thông qua. Các dự án này hứa hẹn sẽ tạo ra 100.000 việc làm.
Trong năm qua đã có hơn 110 thông báo sản xuất quy mô lớn - bao gồm chất bán dẫn, xe điện, pin và các bộ phận năng lượng mặt trời và gió - được thúc đẩy bởi đạo luật mang tính bước ngoặt này.
Trong khi tốc độ đã chậm lại, nhưng mỗi tháng chính quyền Mỹ đều ghi nhận một dự án mới được công bố. Riêng trong tháng 8, Maxeon Solar Technologies có trụ sở tại Singapore đã giới thiệu ra công chúng một cơ sở sản xuất tấm pin mặt trời trị giá 1 tỷ USD ở Albuquerque, New Mexico và nhà sản xuất First Solar của Mỹ đã chọn Iberia Parish, Louisiana cho nhà máy thứ năm, trị giá 1,1 tỷ USD. Đây là khoản đầu tư vốn lớn nhất trong lịch sử của khu vực.
“IRA đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khởi động sự phục hưng trong ngành sản xuất của Mỹ”, ông Gregory Wetstone, giám đốc điều hành của Hội đồng năng lượng tái tạo Mỹ.
Ông Wetstone nhấn mạnh, trong suốt sự nghiệp của mình ông chưa từng thấy một đạo luật nào có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của đất nước như vậy.
Các cam kết đầu tư lớn nhất đến từ các tập đoàn bán dẫn: Intel mở rộng khuôn viên ở Arizona và tập đoàn Đài Loan TSMC sẽ xây dựng một nhà máy chế tạo thứ hai ở cùng bang. Trong khi đó, IBM đầu tư vào khu vực Thung lũng Hudson của New York và Micron Technology xây dựng nhà máy bán dẫn lớn nhất của Mỹ tại Clay, New York.
Mới đây nhất, Volkswagen cũng đã rót vốn 2 tỷ USD để phát triển nhà máy sản xuất xe điện ở Nam Carolina sau khi tiểu bang trao cho công ty gói ưu đãi trị giá 1,3 tỷ USD.
Các địa điểm dự án đã được lên kế hoạch để rải rác trên khắp đất nước, nhưng một số bang và khu vực nhất định đang dẫn đầu, điển hình là Georgia và South Carolina có nhiều dự án nhất, lần lượt là 14 và 11. Tiếp theo là Michigan và Ohio, và xếp thứ 5 là Arizona.
HÀN QUỐC VÀ EU DẪN ĐẦU CUỘC ĐUA
Trên thực tế, các công ty Hàn Quốc và châu Âu đang dẫn đầu dòng vốn nước ngoài vào Mỹ, lần lượt công bố 20 và 19 dự án kể từ năm ngoái.
Vào tháng 11 năm ngoái, LG Chem công bố khoản đầu tư 3 tỷ USD để xây dựng nhà máy pin xe điện tại Mỹ. Samsung cũng có một động thái tương tự, hợp tác cùng General Motors vào tháng 4 năm nay.
Meyer Burger, một nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Thụy Sĩ, đã thông báo vào tháng trước rằng họ đang tạm dừng các kế hoạch mở rộng ở Đức để mở một nhà máy trị giá 400 triệu USD ở Colorado để nhận các khoản tín dụng thuế từ IRA.
“Tôi sẽ rất vui nếu châu Âu nhanh chóng tiếp cận với hướng đi mới này và hỗ trợ nhiều hơn cho các công ty ở đây”, Gunter Erfurt, giám đốc điều hành của Meyer Burger cho biết và nói thêm rằng nếu EU càng mất nhiều thời gian, thì càng có nhiều đầu tư vào Mỹ, không chỉ từ Meyer Burger mà còn từ những doanh nghiệp khác.
Một số công ty Trung Quốc cũng đã chủ động rót vốn vào Mỹ - bất chấp mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington - nhưng nhiều công ty quá nhỏ để được đưa vào phân tích của FT.
Trong số những dự án lớn nhất gồm có nhà máy sản xuất pin 2,4 tỷ USD của Gotion ở Michigan và việc mở rộng trị giá 300 triệu USD của Fuyao Glass ở Ohio.
Hàng loạt các dự án này được công bố khi các nước đồng minh của Mỹ cũng nhanh chóng đưa ra các chính sách của riêng họ để cạnh tranh với các khoản trợ cấp của IRA mà họ cho rằng đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng.
Paolo Gentiloni, ủy viên kinh tế của EU, nói với Financial Times vào tháng trước rằng trước sự gia tăng nguồn đầu tư vào Mỹ thông qua IRA, châu Âu cần tăng cường phản ứng hơn nữa. Vào tháng 2, EU đã công bố một kế hoạch công nghiệp cạnh tranh, bao gồm các khoản trợ cấp để giữ các nhà phát triển trong khối.
THIẾU CÔNG NHÂN LÀNH NGHỀ VÀ HẠN CHẾ VỀ NGUYÊN LIỆU
Mặc dù các dự án đầu tư đều hứa hẹn tạo ra việc làm cho người dân Mỹ, nhưng trên thực tế, các vị trí lao động này lại khó có thể được lấp đầy, theo một báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn và Kinh tế Oxford cho biết. Bên cạnh 1 triệu công việc khoa học và kĩ sư công nghệ, nước Mỹ còn phải đối mặt với sự thiếu hụt 500.000 công nhân xây dựng chỉ riêng trong năm nay khi nước này đang cố gắng đáp ứng nhu cầu do các dự án nhà máy mới thúc đẩy.
Gregg Lowe, giám đốc điều hành của Wolfspeed, một nhà sản xuất chất bán dẫn với kế hoạch khởi công một nhà máy trị giá 5 tỷ USD ở Bắc Carolina cho biết: “Có rất nhiều nhà máy mới sắp ra mắt. Thách thức lớn nhất có lẽ sẽ là nguồn lao động để xây dựng nhà máy. Thách thức thứ hai là một khi bạn xây dựng xong nhà máy, bạn phải đảm bảo được nguồn lao động để đưa nó vào hoạt động”.
Thời gian xây dựng kéo dài, nguồn cung cấp nguyên liệu thô hạn chế cũng như sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ ở nước ngoài sẽ cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng tại Mỹ.
Một báo cáo gần đây của BloombergNEF đã cảnh báo rằng các nhà máy sản xuất pin mặt trời mới của Mỹ có thể trở nên lỗi thời về chức năng trong 5 năm tới do thời gian xây dựng chậm trễ và những phát triển tân tiến mới ở châu Á.
Ngoài ra, S&P Global Commodity Insights lưu ý rằng Mỹ có thể sẽ vật lộn để đáp ứng nhu cầu đối với các khoáng sản quan trọng như nickel nếu chỉ dựa vào các nguồn trong nước và các đối tác thương mại tự do - một điều kiện để đảm bảo các khoản tín dụng thuế IRA.
Các nhà phân tích khẳng định, điều này có nghĩa là Đông Á có thể sẽ tiếp tục nắm giữ nguồn cung cấp chất bán dẫn và công nghệ sạch toàn cầu trong thập kỷ này.
Ngay cả khi Mỹ đạt được khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất pin và mô-đun năng lượng mặt trời vào năm 2025, nước này vẫn sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu các bộ phận bao gồm cực dương và cực âm cho pin và polysilicon cho mô-đun năng lượng mặt trời.
Ngay cả khi Mỹ đạt được khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất pin và mô-đun năng lượng mặt trời vào năm 2025, nước này vẫn sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu các bộ phận bao gồm cực dương và cực âm cho pin và polysilicon cho mô-đun năng lượng mặt trời.
“Hai nền kinh tế lớn nhất đều sẽ cần nhau ở một mức độ nào đó. Việc cắt đứt thương mại hoàn toàn không đem lại ý nghĩa gì và nó cũng sẽ không có lợi cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu”, ông Andrés Gluski, giám đốc điều hành của nhà sản xuất thiết bị tiện ích lớn nhất thế giới AES nhận xét.