Để doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công trong chuyển đổi số, cần xác định hiện trạng, mục tiêu, phương hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện phù hợp...
Trong khuôn khổ Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương phối hợp với các đơn vị thành viên Tập đoàn FPT tổ chức hội thảo chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Với chủ đề “Khởi đầu thông minh để khai thác dữ liệu số và tạo ra giá trị đột phá cho doanh nghiệp”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương cho biết: “Hải Dương là một trong những tỉnh tiên phong ban hành chính sách chuyển đổi số toàn tỉnh và là tỉnh đầu tiên trên cả nước có ngày chuyển đổi số. Tỉnh đã và đang tập trung triển khai thể chế, chính sách cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số”.
Tính đến năm 2022, có hơn 98% doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc nhóm vừa và nhỏ. Bài toán lớn đặt ra cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại là làm sao để bắt nhịp cùng những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số của thế giới. Nếu tận dụng tiềm năng chuyển đổi số để thúc đẩy vận hành và kinh doanh của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ các tổ chức mà nền kinh tế số Việt Nam cũng sẽ có bước đột phá lớn.
Ông Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương cho rằng: “Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xác định hiện trạng của doanh nghiệp, sau đó đặt ra mục tiêu chuyển đổi số và tìm phương hướng phù hợp, cuối cùng thiết kế, chọn lựa giải pháp và xây dựng lộ trình thực hiện”.
Hải Dương đã ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp được triển khai mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 266 doanh nghiệp công nghệ số, 187 doanh nghiệp nền tảng số, 8.330 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,58%. Năm 2022, kinh tế số chiếm khoảng 14,36% GRDP toàn tỉnh.
Ông Thân Minh Ngọc, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp, Công ty Hệ thống Thông tin FPT nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, doanh nghiệp nào tận dụng được thời cơ, cơ hội đi nhanh hơn để chiến thắng sớm hơn. Trong tương lai không xa, điều hành doanh nghiệp theo thời gian thực và ra quyết định dựa trên dữ liệu tức thời sẽ là tiêu chuẩn để các doanh nghiệp sống sót và tồn tại”.
Đại diện Sở Công thương Hải Dương cho biết, với việc xác định cơ sở sản xuất kinh doanh là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng công nghệ số trong khi nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường phát triển; cùng với các giải pháp phát triển chuyển đổi số và kinh tế số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và hoạt động trong môi trường kinh tế số.