Hàng loạt dự án điện gió xin lùi tiến độ

Gần hết hạn chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện thủ tục đất đai, thi công không đảm bảo quy định Luật Đất đai, chậm tiến độ và tiếp tục xin gia hạn là thực trạng tại một số dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hàng loạt dự án điện gió xin lùi tiến độ

Điển hình là trường hợp điện gió Hướng Linh 4 (công suất 30MW, tổng vốn khoảng 1.500 tỷ đồng) của Công ty CP điện gió Hướng Linh 4. Được chấp thuận chủ trương từ tháng 12/2019, qua các lần điều chỉnh (tháng 9/2020 và tháng 4/2021), dự án có tiến độ hoàn thành đi vào hoạt động tháng 11/2021.

Tuy nhiên tới nay (quá tiến độ 12 tháng), chủ đầu tư mới lập hồ sơ xin điều chỉnh tiến độ đến tháng 5/2023 và đợt ý kiến thẩm định, phê duyệt của cơ quan chức năng.

Đồng thời, qua kiểm tra cho thấy, hồ sơ thuê đất (đợt 2, diện tích khoảng 2,5ha) của dự án chưa đảm bảo. Tới tháng 9/2022, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh đề nghị chủ đầu tư (do ông Mai Văn Huế làm chủ tịch HĐQT) chỉnh sửa bổ sung hồ sơ theo quy định nhưng hiện công ty vẫn chưa nộp lại hồ sơ thuê đất đợt 2.

Công ty CP Điện gió Hướng Linh 4 san ủi mặt bằng, xây dựng các hạng mục công trình của dự án mà chưa lập hồ sơ để được UBND tỉnh cho thuê đất. Việc này được xác định là chưa đúng pháp luật đất đai.

Tương tự, Công ty CP Điện gió Hướng Linh 3 cũng đang đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án điện gió Hướng Linh 3 (30MW, tổng vốn khoảng 1.500 tỷ đồng) đến tháng 5/2023 với tình trạng còn vướng mắc về đất đai. Được chấp thuận chủ trương từ tháng 4/2019, qua 2 lần điều chỉnh chủ trương, dự án được điều chỉnh tiến độ từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022.

Trong bối cảnh hồ sơ thuê đất dự án chưa đảm bảo, chủ đầu tư đã triển khai thi công san ủi mặt bằng.

Trường hợp ì ạch nhất, là dự án điện gió Hướng Hiệp 3 của Công ty CP điện gió Hướng Hiệp – THC. Dự án được chấp thuận chủ trương đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hồi tháng 7/2021, theo đó, tiến độ đến tháng 12/2022 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, đến nay đã gần hết hạn chủ trương đầu tư nhưng chủ đầu tư chưa triển khai các bước tiếp theo và chưa thực hiện thủ tục thuê đất để thực hiện dự án. Việc này là quá chậm so với các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh (tại văn bản 795/TTg-CN ngày 25/6/2020), Sở Tài nguyên và môi trường nhận định.

Theo quyết định chủ trương đầu tư (cấp hồi tháng 7/2021), người đại diện pháp luật Công ty CP Điện gió Hướng Hiệp – THC là ông Mai Văn Huế. Hiện nay, người đại diện pháp luật là ông Đặng Mạnh Cường.

Tương tự về tình trạng quá chậm và chưa thực hiện thủ tục thuê đất là dự án điện gió Hướng Linh 5 (do Công ty CP điện gió Hướng Linh 5 làm chủ đầu tư). Trùng hợp, người đại diện pháp luật hiện tại của công ty cũng là ông Đặng Mạnh Cường (thay vì bà Nguyễn Thị Huyền Thương nêu trong quyết định chủ trương đầu tư hồi tháng 7/2021).

Khá nhiều trong số các dự án nêu trên, đều do các công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàn Cầu (do doanh nhân Mai Văn Huế làm chủ tịch) đầu tư/sở hữu từ giữa năm 2021 tới nay.

Như TheLEADER thông tin, ra đời năm 2005, với sự dẫn dắt của Chủ tịch Mai Văn Huế, Tân Hoàn Cầu đã cán mốc tổng tài sản 6.800 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu 2.300 tỷ đồng từ tháng 6/2018. Thế mạnh cơ bản của doanh nghiệp này gồm xây dựng dân dụng và công nghiệp kỹ thuật cao, đầu tư và vận hành điện gió, thủy điện…

Đặc biệt, ở mảng điện tái tạo, thông qua các công ty thành viên (sở hữu trên 90% cổ phần), Tân Hoàn Cầu đang đầu tư/nắm giữ 14 dự án điện gió (tổng công suất 420MW) và 5 dự án thủy điện (82,3MW) tại nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Tại tỉnh Quảng Trị, Tân Hoàn Cầu đã dồn dập đẩy nhanh các thủ tục để triển khai các cụm dự án điện gió Hướng Linh, Hướng Hiệp (quy mô đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, các dự án này đều gặp vấn đề từ hơn một năm qua.

Tin liên quan