Nâng cao giá trị gia tăng cho công nghiệp điện tử

Dù là nhóm hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với 52,76 tỷ USD nhưng do doanh nghiệp điện tử trong nước chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên lợi ích kinh tế vẫn tương đối nhỏ.

Xuất khẩu mạnh tại nhiều thị trường

Sau gần 20 năm hoạt động, từ một đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối máy tính, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và máy tính Thánh Gióng đã gây dựng doanh nghiệp theo hướng sản xuất lắp ráp với mong muốn tạo ra sản phẩm máy tính “make in Việt Nam”. Ngoài chinh phục người tiêu dùng trong nước, các sản phẩm của doanh nghiệp này cũng đã được thị trường quốc tế đón nhận. Kết thúc quý III/2024, dù doanh thu đã đạt được mục tiêu cả năm, song đơn hàng vẫn liên tục đổ về trong những tháng cuối năm khiến doanh nghiệp phải tăng ca và tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng thời gian giao hàng.

Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng hơn 10 năm, năm 2023 là lần đầu tiên tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam bị suy giảm. Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Vì vậy, sự phục hồi của ngành điện tử đã bắt đầu từ đầu năm đến nay với các thị trường lớn như đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 9 tháng năm 2024 chủ yếu sang các thị trường như Mỹ với 17,32 tỷ USD, tăng 46,5%; Trung Quốc với 9,10 tỷ USD, giảm 8,9%; EU (27 nước) với 6,86 tỷ USD, tăng 55,9%; Hồng Công (Trung Quốc) với 6,13 tỷ USD, tăng 68,7%; Hàn Quốc với 4,03 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục tăng trưởng mạnh đến hết năm 2024.

Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Tăng trưởng trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Thực tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ trên thế giới liên tục đổ vốn vào sản xuất cũng như dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam với những khoản đầu tư giá trị lớn.

Nâng cao giá trị gia tăng cho công nghiệp điện tử ảnh 1

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: NAM ANH

Lợi ích kinh tế tương đối thấp

Dù tín hiệu thị trường khả quan, song theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định, doanh nghiệp Việt chưa thể tham gia được những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, phân phối. Doanh nghiệp chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp, chỉ ở khoảng 5 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này có nghĩa mặc dù có khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu ở mức tương đối thấp. Ngoài thiếu vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư cho thiết bị công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực quản trị, vận hành sản xuất còn yếu thì gần đây, số lượng doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam khá đông, đặc biệt là đến từ Trung Quốc, sẽ tiếp tục thách thức lớn khối doanh nghiệp nội địa khi phải cạnh tranh trên một thị trường có nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp FDI trong ngành này sẽ ưu tiên doanh nghiệp cung ứng của họ hơn là doanh nghiệp nội địa.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực đầu tư vào mảng công nghệ để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và được gia công những mảng miếng mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Tuy vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Hiệp hội mong muốn có những chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp trọng điểm như lĩnh vực điện tử. Cụ thể, cần có những ưu đãi trong vay vốn, được khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp đủ nguồn lực đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất đáp ứng các yêu cầu đơn hàng. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ cởi mở và tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp khi có đơn hàng và gia công sản xuất trong việc tiếp cận nguồn vốn vay mà không phải đưa các biện pháp tài sản thế chấp. Như vậy thì sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp trong nước", bà Hương nêu rõ.

Theo Bộ Công thương, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, doanh nghiệp trong nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhằm đáp ứng tốt hơn về số lượng, chất lượng và cả thời gian giao hàng. Cùng với đó, tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, tập đoàn nước ngoài để tìm hiểu, tiếp cận nhanh hơn với dây chuyền công nghệ mới. Qua đó, cải thiện được năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, định vị thị trường và khách hàng mục tiêu.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin thị trường, tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, sản xuất xanh, xây dựng thương hiệu... Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ thông qua cơ chế hợp tác, tiếp tục vận động chính sách với đối tác thương mại nhằm tháo gỡ rào cản tiếp cận thị trường để hạn chế thấp nhất gánh nặng về chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, yêu cầu các nước đối tác tăng cường đối thoại để làm rõ yêu cầu, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp để doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuyển đổi; hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp để thích ứng với quy định mới. Mặt khác, Bộ Công thương sẽ tiếp tục có những đề xuất với đối tác thị trường, đề nghị hỗ trợ kỹ thuật thông qua chương trình cụ thể, giúp nâng cao năng lực doanh nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn... Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 52,76 tỷ USD, chiếm tới 17,6% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 27,4% (tương ứng 11,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,87 tỷ USD so với mức kỷ lục trước đây (41,89 tỷ USD) ghi nhận trong 9 tháng năm 2022.

Tin liên quan