Ngành bán dẫn Việt Nam: Cơ hội "ngàn năm có một" nhưng thách thức không nhỏ

Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và thu hút đầu tư…
ban-dan-1-3768.jpg
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam và chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ vừa qua đã mở ra rất nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội phát triển khoa học công nghệ và ngành công nghiệp mới, cụ thể hơn là ngành công nghiệp bán dẫn.

CƠ HỘI "NGÀN NĂM CÓ MỘT"

Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung khu vực và toàn cầu.

Hai nước coi hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao.

Hai nước tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Sau đó, nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ tại thung lũng Silicon (California, Mỹ), Synopsys và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Đồng thời, Synopsys và Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.

Những động thái trên được đánh giá là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, một ngành có giá trị hàng trăm tỷ USD và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực trên thế giới.

Trao đổi với Thương gia, GS.TS Đặng Lương Mô, Chủ tịch Danh dự Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM cho rằng, sự cam kết của Mỹ về hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua là một sự kiện lịch sử "không tiền tuyệt hậu".

bán dẫn
GS.TS Đặng Lương Mô, Chủ tịch Danh dự Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM.

“Có thể ví nó như hai chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Nhật Tanaka Kakuei năm 1972, hai chuyến thăm đã tạo cơ hội cho Trung Quốc “mở cửa” và phát triển thành “công xưởng chế tạo” của thế giới. Đối với Việt Nam, chuyến thăm này của Tổng thống Biden phải nên coi là “cơ hội ngàn năm có một”, không thể bỏ lỡ được”, GS.TS Đặng Lương Mô nói.

Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6,5%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với một số thách thức, trong đó thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao là một trong những rào cản lớn nhất.

BÀI TOÁN “KHÁT” NHÂN LỰC

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.

Thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip, chủ yếu tại TP.HCM (85%), Hà Nội (8%), Đà Nẵng (7%). Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn TP.HCM có thể đào tạo được trên 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

Hiện một số trường đại học đã đào tạo về công nghệ bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Công nghệ thông tin và Trường đại học Bách khoa TP.HCM (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM)…

GS.TS Đặng Lương Mô, Chủ tịch Danh dự Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM cho hay, đào tạo nhân lực cho công nghệ cao ở các nước công nghiệp phát triển đều nhờ vào các trường đại học, một phần nhờ hoạt động đào tạo nội bộ của chính doanh nghiệp, nhất là với những công nghệ cao còn mới.

“Đối với Việt Nam hiện nay, phải thành thực nhìn nhận rằng một số trường đại học của ta vẫn chưa phát triển kịp để có thể cung cấp đủ nguồn nhân lực cần thiết mà giới công nghiệp muốn có. Khu Công nghệ cao TP.HCM hiện tổ chức những khóa đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch là để tiếp tay cho trường đại học trong hoạt động này. Ngành bán dẫn vi mạch nên nhìn nhận rằng hoạt động ở trường đại học của ta về giáo dục đào tạo và nghiên cứu liên quan đến ngành này còn ít và chưa có chiều sâu, nên chưa tạo ra được những đột phá”, GS.TS Đặng Lương Mô bày tỏ.

"HỢP TÁC 3 NHÀ"

Theo GS.TS Đặng Lương Mô, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao ngành bán dẫn, Nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác với các trường đại học.

“Doanh nghiệp vừa là nhà sử dụng nguồn nhân lực vừa là nhà đầu tư, trường đại học vừa là nhà đào tạo vừa là nhà nghiên cứu - đổi mới - sáng tạo, Nhà nước chủ yếu tạo điều kiện thuận lợi về “cơ chế, chính sách” giúp cho doanh nghiệp và nhà đào tạo hoạt động và phát triển. Dĩ nhiên là trong chính sách có cả phần “đầu tư, trợ cấp tài chính” nữa”, GS.TS Đặng Lương Mô nhấn mạnh.

Mới đây ngày 30/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: “Đây là một trong những ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế và chúng ta đang đón đầu để cố gắng vươn lên, đi đầu, dẫn trước. Ở đây có rất nhiều khía cạnh để đề cập. Tuy nhiên, khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực là khía cạnh mang tính chất nền tảng để chúng ta phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”.

tran-quoc-phuong-3351.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Trong thời gian tới, đào tạo nguồn nhân lực có nội dung hết sức mới là Thủ tướng Chính phủ vừa mới giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư một nhiệm vụ là khẩn trương xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.

Theo ông Phương, qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn.

Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, dài hơi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đào tạo đại học. Để đào tạo được các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học, và đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác hết sức quan trọng là Nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp.

Trụ cột thứ hai hết sức quan trọng mà hiện nay Việt Nam còn thiếu là đào tạo kỹ sư, người lao động, gọi tắt là kỹ thuật viên, những người cụ thể làm việc trong lĩnh vực này.

Trụ cột cuối cùng là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Một nhân tài có thể dẫn dắt được hàng chục, hàng trăm người đi theo. Và việc thu hút nhân tài trong công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ở Việt Nam, là việc hết sức quan trọng.

“Với ba trụ cột đấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cố gắng hoàn thành đề án này theo đúng tiến độ đề ra”, vị Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Tin liên quan