Bức tranh tài chính hé lộ những điều thú vị về hoạt động kinh doanh trong quý 2/2023 của 10 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất sàn chứng khoán... Trong đó, có 2 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trên 3 chữ số trong kỳ.
Mùa báo cáo tài chính quý 2/2023 bước vào giai đoạn kết thúc cũng là lúc những doanh nghiệp nắm giữ vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán lộ diện.
KẺ KHÓC, NGƯỜI CƯỜI
Thị trường bất động sản đã trải qua nửa đầu năm trong trạng thái “dòng tiền khó” khi thanh khoản các kênh huy động vốn chuyển động yếu ớt. Áp lực chi phí tài chính tăng cao, trong khi dòng tiền khan hiếm vì không bán được hàng, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng…, khiến sức khỏe của các doanh nghiệp địa ốc ngày càng suy yếu.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê mới đây cũng phản ánh thị trường bất động sản đang khó khăn khi trong 7 tháng, có 2.622 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 756 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ.
Trong kỳ vừa qua, thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều điểm đáng chú ý khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc có sự phân hóa “kẻ lãi ròng, người lỗ lớn”. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản phải thay đổi phương án kinh doanh và doanh thu từ các hoạt động không cốt lõi gần như là “lực đỡ” rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp.
Theo thống kê của Wichart.vn tính đến ngày 31/7/2023, 72 doanh nghiệp bất động sản (gồm ba sàn HOSE, HNX và UPCoM) đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023. Trong đó, có 24 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2023 và 23 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm.
Về những doanh nghiệp bất động sản báo “lỗ đầm đìa” trong quý 2/2023, được chú ý nhiều nhất có lẽ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 1.040 tỷ đồng, tăng 72% trong quý 2/2023. Dù vậy, áp lực chi phí khiến công ty lỗ 201 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ sau thuế 377 tỷ đồng quý đầu năm, luỹ kế 6 tháng Novaland lỗ gần 600 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DatXanh Services, mã chứng khoán: DXS) cũng giảm 49% doanh thu trong quý 2/2023, theo đó thua lỗ gần 19 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu Công ty đạt 991 tỷ, lỗ gần 58 tỷ đồng.
2023 dự kiến là năm lợi nhuận thấp kỷ lục của DatXanh Services, khi công ty sẽ phải trích lập dự phòng. Cùng với đó, sản phẩm của công ty tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đang bị tắc pháp lý, ảnh hưởng đến lượng hàng để bán… do đó sẽ ảnh hưởng đến bức tranh kinh doanh 2023.
Ở chiều ngược lại cũng có những doanh nghiệp “ngược dòng” báo lãi đậm trong quý kinh doanh vừa qua. Trong đó, phải kể đến “ông lớn” Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) khi mang về 32.800 tỷ đồng doanh thu và thu về 9.650 tỷ đồng lãi ròng trong quý, lần lượt gấp 7,3 lần doanh thu và gấp 14,5 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận tương ứng đạt trên 62.000 tỷ đồng và 21.570 tỷ đồng, tăng 364% và 314% so với nửa đầu năm ngoái.
Công ty Cổ phần Phát triển Sunshine Homes (mã chứng khoán: SSH) cũng là doanh nghiệp bất động sản thứ hai (cùng với Vinhomes) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trên 3 chữ số cả trong quý 2/2023 và lũy kế nửa đầu năm.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần của Sunshine Homes đạt trên 1.000 tỷ đồng và gần 433 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2, tương ứng tăng 668% và 336% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đóng góp gần 1.000 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 115 tỷ đồng).
Doanh thu và lợi nhuận lũy kế 6 tháng của Sunshine Homes lần lượt đạt 1.513 tỷ đồng và 724 tỷ đồng. Với kết quả này, Sunshine Homes đã hoàn thành hơn 47% kế hoạch doanh thu và vượt 160% so với kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tương tự, Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) cũng ghi nhận kết quả tích cực so với bối cảnh khó khăn chung của ngành. Đây là quý thứ 2 liên tiếp công ty đạt lãi ròng trên nghìn tỷ đồng, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Sunshine Homes đã hoàn thành hơn 47% kế hoạch doanh thu và vượt 160% so với kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Lũy kế 6 tháng 2023, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.116 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.025 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 76% so với cùng kỳ.
“SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG”
Hơn một năm qua là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản, kéo theo đó là câu chuyện ảm đạm của các cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, sau những nỗ lực tháo gỡ, nhóm cổ phiếu bất động sản dần trở thành điểm đến của dòng tiền khi nhiều mã tăng giá trên 5%-10%, đặt ra câu hỏi liệu ngành này hồi phục thực hay chưa và kỳ vọng hiện tại liệu có phù hợp?
Ngay khi lãi suất hạ nhiệt, nút thắt trái phiếu được tháo gỡ giúp cho niềm tin quay trở lại trên thị trường bất động sản, và thanh khoản trên thị trường đã có sự cải thiện, là lý do cho các nhịp tăng của giá cổ phiếu bất động sản và xu hướng này sẽ tiếp diễn khi các công ty bất động sản tìm cách cân bằng nguồn vốn, giảm vay nợ.
Trên sàn chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu cổ phiếu VHM của Vinhomes đã về vùng đỉnh giá vào tháng 12 năm ngoái. Cổ phiếu NLG của Đầu tư Nam Long cũng lập đỉnh giá mới trên đà phục hồi và dần tiếp cận đỉnh giá hơn 40.000 đồng/cổ phiếu đã thiết lập vào tháng 8 năm ngoái.
Cổ phiếu PDR đã tăng giá rất mạnh trong 1 tháng qua khi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên vượt lên được tình trạng sa lầy trong nợ và nguy cơ mất thanh khoản trái phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu DIG cũng đã lập đỉnh mới trên lộ trình phục hồi giá, còn HDC đã bật tăng mạnh mẽ trong những phiên trước....
Trong báo cáo phân tích mới nhất, SSI Research nâng đánh giá ngành bất động sản từ kém khả quan lên trung lập, bởi nhận định thị trường đang có sự cải thiện. Các chủ đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề trái phiếu, sở hữu quỹ đất tốt, có khả năng phát triển và bán hàng mạnh mẽ sẽ vượt qua được những “cơn gió ngược” phía trước và được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ.
TS. Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital nhận định, thị trường bất động sản vẫn đang khó khăn nhưng lãi suất giảm, chính sách tài khóa mở rộng và hỗ trợ kinh tế khác sẽ giúp bất động sản và xây dựng hồi phục. Với nhóm cổ phiếu bất động sản thì sự phục hồi thời gian qua là do nhà đầu tư kỳ vọng tương lai.
Cổ phiếu bất động sản phản ứng nhanh hơn thị trường nên khi thị trường có dấu hiệu ấm lại thì cổ phiếu bất động sản đã thu hút được dòng tiền.
Các chính sách được ban hành vừa qua có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi", TS. Nguyễn Duy Phương đưa ra quan điểm.
10 DOANH NGHIỆP ĐỊA ỐC SỞ HỮU VỐN HÓA “KHỦNG”
Đồng biến với sự tăng tốc của cổ phiếu, vốn hóa của các doanh nghiệp bất động sản cũng trên đà tăng. Theo đó, 10 doanh nghiệp bất động sản sở hữu vốn hóa lớn nhất 6 tháng đầu năm 2023 lần lượt “lộ diện”, bao gồm: Vinhomes, Becamex IDC, Vincom Retail, Sunshine Homes, Nhà Khang Điền, Kinh Bắc, DIC Corp, Đầu tư Nam Long, Phát Đạt, Văn Phú – Invest.
Đứng ở vị trí quán quân về vốn hóa trong nhóm bất động sản 6 tháng đầu năm 2023 là Công ty Cổ phần Vinhomes với vốn hóa đạt tỷ đồng 269.970 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8/2023, thị giá cổ phiếu VHM đạt mức 62.900 đồng/cổ phiếu.
Vị trí á quân trong danh sách này thuộc về Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC – mã chứng khoán: BCM) với vốn hóa doanh nghiệp đạt 81.144 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vốn hóa của doanh nghiệp này tụt xuống còn 79.384 tỷ đồng và giá cổ phiếu BCM dừng ở mức 76.700 đồng/cổ phiếu
Vị trí thứ 3 là Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) với vốn hóa đạt 65.897 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Hiện tại, cổ phiếu VRE đang giao dịch quanh ngưỡng 29.600 đồng/cổ phiếu. Kế tiếp là Công ty Cổ phần Phát triển Sunshine Homes (mã chứng khoán: SSH) với vốn hóa đạt 25.425 tỷ đồng.
Đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng là Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH), sở hữu vốn hóa 25.411 tỷ đồng với giá trị trên mỗi cổ phiếu đạt 36.000 đồng. Xếp ở vị trí thứ 6 là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) với vốn hoá đạt mức 24.525 tỷ đồng. Hiện tại cổ phiếu KBC đang dừng ở mức 32.600 đồng/cổ phiếu.
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – mã chứng khoán: DIG) sở hữu vốn hóa 15.185 tỷ đồng, xếp thứ 7 trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn nhất nửa đầu năm. Góp mặt ở vị trí thứ 8 là Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) với vốn hoá đạt 14.480 tỷ đồng. Trong thời gian qua, mã cổ phiếu này liên tục tăng mạnh, hiện đạt mức 39.200 đồng/cổ phiếu.
Vị trí thứ 9 thuộc về Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) với vốn hóa ở mức 14.138 tỷ đồng. Vị trí cuối cùng trong Top 10 là mức vốn hoá 13.231 đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (mã chứng khoán: VPI).