Rủi ro VN-Index tiếp tục quán tính giảm trong phiên ngày mai (26/9) vẫn rất lớn. Nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng trong những phiên tới...
Chứng khoán ngày 25/9, sau khi giảm mạnh mất vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm với khối lượng giao dịch đột biến ở phiên cuối tuần trước, VN-Index đã phục hồi nhẹ trong phiên đầu tuần với thanh khoản thấp, sau đó áp lực bán gia tăng mạnh đột biến trong phiên chiều. Dẫn đến VN-Index giảm mạnh 39,85 điểm (-3,34%), kết phiên ở mức 1.153,20 điểm với thanh khoản duy trì ở mức cao.
HNX-Index giảm mạnh 11,65 điểm (-4,79%) về 231,50 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết rất tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh khi có tổng cộng 660 mã giảm giá, số lượng mã giảm hết biên độ rất đột biến với (158 mã giảm sàn), 90 mã tăng giá (10 mã tăng trần), và 58 mã giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn đạt 26.206,01 tỷ đồng, giảm so với áp lực bán đột biến phiên trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao, trên mức trung bình, thể hiện áp lực bán vẫn gia tăng mạnh, khá đột biến ở nhiều mã, nhóm mã. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều tuần bán ròng mạnh liên tiếp, đã mua ròng khá mạnh trong phiên hôm nay với giá trị 701,92 tỷ đồng, trong đó mua ròng trở lại nhóm cổ phiếu thép; mua ròng trên HNX với giá trị 16,77 tỷ đồng.
Sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ấn định lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. Trong nước thị trường đón nhận khá nhiều thông tin kém tích cực như NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu, lợi tức trái phiếu Chính Phủ các kỳ hạn tăng, mức lợi tức kỳ hạn 10 năm đã vượt lên cao đỉnh lợi tức gần nhất, thông tin một số công ty chứng khoán giảm tỷ lệ vay magrin, cộng với áp lực tỉ giá đang tăng khi giá trị đồng Đô la tăng giá đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm mạnh, trong đó các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán tiếp tục có diễn biến kém tích cực nhất khi hầu hết giảm mạnh hết biên độ, thanh khoản trên mức trung bình với MBS (-9,63%), PSI (-9,52%), WSS (-9,09%), BVS (-7,46%), FTS (-6,97%)....
Nhóm cổ phiếu bất động sản ngoại trừ NTL (+4,40%) thì hầu hết chịu áp lực bán gia tăng, nhiều mã giảm hết biên độ với thanh khoản trên mức trung bình như L14 (-9,86%), CEO (-9,62%), VIC (-7,00%), DXG (-6,99%), HDG (-6,98%)... Các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su có diễn biến khá tích cực đầu phiên, nhưng cuối phiên đa số cũng giảm mạnh như DTD (-9,82%), SZC (-6,99%), VGC (-6,94%), PHR (-6,86%), GVR (-6,86%), KBC (-6,76%)...
Các cổ phiếu nhóm dầu khí cũng có diễn biến tương tự khi kết phiên đa số giảm mạnh, nhiều mã giảm hết biên độ với thanh khoản gia tăng với PVC (-9,95%), CNG (-6,97%), PVG (-6,93%), PVT (-6,89%)... thủy sản như ANV (-6,93%), VHC (-6,92%), CMX (-6,84%), ACL (-6,84%)... nông nghiệp, chăn nuôi với TAR (-9,94%), LTG (-3,94%), HAG (-6,94%), DBC (-6,93%), LSS (-6,69%), QNS (-3,0%)...
Các cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng có diễn biến kém tích cực, giảm mạnh với thanh khoản vượt mức trung bình như EIB (-6,89%), SHB (-6,78%), MSB (-6,25%), VIB (-6,16%), CTG (-5,85%), LPB (-5,56%).
Đà bán tháo chưa thể chấm dứt
Chứng khoán Asean
Tâm lý lo ngại trong ngắn hạn gia tăng trước động thái động thái hút ròng thanh khoản qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 06 có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của công ty chứng khoán. Đà bán tháo này nhiều khả năng chưa thể chấm dứt nhanh chóng, vùng hỗ trợ tiếp theo của thị trường là 1.120-1.150 điểm.
Nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro và cơ cấu lại danh mục đầu tư nhưng không nên bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá khi giá của các cổ phiếu đã bị chiết khấu khá mạnh. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và có thể gia tăng vị thế nắm giữ khi cổ phiếu bị điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn đi kèm các tín hiệu hồi phục từ thị trường.
Thanh khoản bán chủ động sẽ có thể gia tăng mạnh
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index chịu áp lực bán về phiên chiều hình thành nến đỏ giảm điểm về sát khu vực 1.150. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI tiếp tục hướng xuống tiêu cực và xóa đi xác suất để hình thành 2 đáy, cho thấy áp lực bán vẫn có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn. Thêm vào đó, việc chỉ báo DI- và ADX đồng thời dâng cao cũng cho thấy việc thanh khoản bán chủ động sẽ có thể gia tăng mạnh hơn trong các phiên tới.
Các nhà đầu tư tạm thời quan sát thêm diễn biến thị trường và dừng giải ngân mới để chờ đợi mức biến động của thị trường giảm xuống, đồng thời có thể cân nhắc thu gọn lại danh mục với tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 20% với ưu tiên nắm giữ là các mã chưa bứt phá mạnh từ nền giá gần nhất hoặc điều chỉnh giảm thấp hơn chỉ số chung trong phiên hôm nay
Ngưỡng hỗ trợ quanh 1.14x là điểm đỡ đáng lưu ý
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau những nỗ lực hồi phục bất thành đầu phiên, VN-Index đảo chiều giảm điểm giằng co trước khi lao dốc mạnh về cuối phiên. Lực cầu suy yếu trong khi áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên đã khiến cho chỉ số xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ xa quanh 1.17x, hiện đã đảo vai trò là ngưỡng cản gần.
Mặc dù rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang có phần chiếm ưu thế, ngưỡng hỗ trợ quanh 1.14x sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của VN-Index và chúng tôi kỳ vọng sẽ xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây. Nhà đầu tư được khuyến nghị gia tăng một phần tỷ trọng trading khi chỉ số về quanh ngưỡng hỗ trợ đã đề cập.
VN-Index sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm
Chứng khoán VietCap
Dự báo ngày mai, VN-Index sẽ tiếp tục quán tính giảm để kiểm định ngưỡng hỗ trợ quan trọng của xu hướng trung hạn, đường EMA200, tại vùng 1.120-1.145 điểm. Chứng khoán VietCap cho rằng trạng thái bị bán quá mức (RSI <30) cũng như vùng hỗ trợ mạnh có thể góp phần thúc đẩy lực mua từ vùng giá thấp. Nếu VN-Index có thể đóng cửa trên mốc 1.145 điểm, chỉ số sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật để kiểm định lại kháng cự EMA100 tại 1.170-1.175 điểm. Tuy nhiên, VN-Index sẽ cần thêm những nỗ lực mua vào để có thể tạo vùng cân bằng.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.