Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024 về việc giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông vận tải và 08 địa phương để thực hiện 03 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Nghị quyết số 59/2022/QH15 và Nghị quyết số 60/2022/QH15.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông vận tải 2.571 tỷ đồng và Ủy ban nhân dân 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng với tổng vốn là 3.887 tỷ đồng để thực hiện 03 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Nghị quyết số 59/2022/QH15 và Nghị quyết số 60/2022/QH15.
Cụ thể, 03 dự án này bao gồm:
* Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội với quy mô khoảng 117,5 km, chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được đầu tư nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 21.935 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 15.096 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương 13.831 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa là 1.265 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 6.839 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ Dự án thực hiện cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
* Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội với quy mô khoảng 53,7 km, chia thành 03 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Mục tiêu đầu tư Dự án hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 17.837 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 14.270 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương 11.000 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương của tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 3.270 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 3.567 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ thực hiện Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.
* Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội với quy mô đầu tư khoảng 188,2 km, chia thành 04 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Dự án được đầu tư nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 44.691 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 30.758 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương 26.934,5 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương của các thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang là 3.823,5 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 13.933 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ thực hiện Dự án cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.
Tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giaoBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng căn cứ dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 được giao quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, đúng mục đích, hiệu quả.
Thời gian thực hiện giải ngân số vốn được giao bổ sung thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.
Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương trên chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Thanh Hà