Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế giai đoạn nước rút 3 tháng cuối năm để hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% cho cả năm.
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng phải về đích, nhưng nhiều công trình, dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ. Những "nút thắt" vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang rất thấp. Nhiều đơn vị, địa phương mới chỉ đạt chưa tới 30%.
Giải ngân chậm do chưa chuẩn bị dự án tốt
Sau gần nửa năm khởi công, dự án tuyến đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng mới giải phóng mặt bằng được khoảng 40%. Mục tiêu giải phóng được 70% mặt bằng trong tháng 9 năm nay của tỉnh Lạng Sơn đã không đạt được như kỳ vọng. Thiếu mặt bằng, nhiều mũi thi công của dự án chưa thể bứt tốc.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Để giải quyết bài toán lâu dài, chúng tôi vẫn muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ có những hướng dẫn cụ thể để các địa phương tự tin hơn trong công tác phê duyệt giải phóng mặt bằng".
Đại diện tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau khi điều chỉnh hạn mức đất ở các dự án khác thì địa phương vẫn đang thiếu chỉ tiêu đất cho giao thông. Để điều chỉnh chỉ tiêu đất cho giao thông, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép địa phương tự quyết định. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có, khiến việc thu hồi đất của hai dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn chưa tiến triển.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Chỉ tiêu quy hoạch đất giao thông cho tỉnh Lạng Sơn để triển khai hai dự án này còn thiếu 170 ha. Chúng tôi rất mong sớm được giải quyết để công tác giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh hơn".
Tính đến hết tháng 9, cả nước ước giải ngân hơn 320.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 47% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn đáng kể so cùng kỳ năm trước. Hiện vẫn còn 29 bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Theo ông Đỗ Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, địa phương mới chỉ giải ngân được khoảng 28% trong 9 tháng qua, vướng mắc lớn nhất của tỉnh là vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng. Mặt khác, về quy trình, thủ tục triển khai dự án phải phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị, qua nhiều bước làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, những thách thức ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến toàn bộ chu trình thực hiện dự án. Để thực hiện nhanh, dự án phải có các bước chuẩn bị từ trước, quy trình thủ tục linh hoạt để điều chỉnh nội dung trong quá trình thực hiện. Khi có vướng mắc mà quy trình, thủ tục khó khăn sẽ gây ra chậm trễ. Ở góc độ chính sách, cần phải có các biện pháp, đẩy việc chuẩn bị dự án tốt hơn, sớm hơn, có thể đi song song với nhau để tiết kiệm thời gian, đồng thời thêm chính sách điều chỉnh linh hoạt để thúc đẩy hoạt động giải ngân dự án.
Cần nỗ lực gấp đôi
Chỉ còn 3 tháng là hết năm nhưng nguồn vốn cần giải ngân lớn hơn nguồn vốn 9 tháng qua mà cả nước thực hiện.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, với mức giải ngân chỉ đạt khoảng 29%, từ giờ tới cuối năm, địa phương này phải tập trung nhân lực tăng ca, tăng kíp, động viên cán bộ khắc phục các khó khăn, vướng mắc để giải quyết các phần công việc cần xử lý với mục tiêu quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch ít nhất hơn 95% phần vốn được giao.
Còn theo đại diện ADB, ông Nguyễn Bá Hùng: “Với tốc độ giải ngân như hiện nay, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn”.
Nếu có sự bứt phá hơn của các đơn vị, bộ, ngành và địa phương thì kết quả giải ngân trong quý IV sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: "Cũng cần phải giao chỉ tiêu về đầu tư công rất cụ thể như KPI đối với lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành".
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đưa ra ý kiến: "Đây là năm chúng ta phải giải quyết rất nhiều dự án trọng điểm đang đi vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ 5 năm. Nếu chúng ta không đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công thì những mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ 5 năm cũng rất thách thức".
Vẫn còn hơn một quý nữa để tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian này vẫn đủ dư địa để các đơn vị đẩy mạnh kết quả giải ngân ít nhất 95% kế hoạch theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu. Để tăng tốc giải ngân giai đoạn nước rút, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để bảo đảm khoa học, hiệu quả trong quy trình giải ngân dự án. Bộ cũng cho biết, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công đã được nhận diện từ nhiều năm. Tuy nhiên năm 2024 đã xuất hiện thêm những yếu tố khách quan khác như nguồn thu từ đất rất thấp, cơn bão số 3 cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân của không ít địa phương.
ĐẠI KIM