Từ khi thực thi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), các dự án ghi nhận tiến độ triển khai khá chậm.
Năm 2021, có 15 dự án vào danh sách chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai trong năm 2022 nhưng chỉ bốn trường hợp trong số này được quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức PPP gồm: cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo.
Trong các dự án được cấp chủ trương năm 2021, một dự án phải chuyển đổi hình thức từ PPP sang đầu tư công là tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và một trường hợp vẫn đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi là Cảng hàng không Quảng Trị.
Tiếp tục đến hết năm 2022 ghi nhận 24 dự án mới thực hiện theo quy định của Luật PPP, trong đó 19 trường hợp sử dụng hợp đồng BOT (Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), bốn dự án hợp đồng BOO (Xây dựng – sở hữu – kinh doanh) và một dự án BTL (Xây dựng – chuyển giao – cho thuê).
135 dự án PPP (không gồm dự án BT) được triển khai chuyển tiếp theo quy định Luật mới, trong đó 80% theo hình thức BOT. Số lượng dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải có 96 trường hợp, vượt trội so với các lĩnh vực khác như năng lượng với 16 dự án, cung cấp nước sạch năm dự án.
Trong bảy dự án đăng khảo sát trên hệ thống đấu thầu quốc gia, duy nhất dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Sầm Sơn – Tĩnh Gia thu hút chú ý của bảy nhà đầu tư, còn lại năm trường hợp chỉ có một nhà đầu tư trong nước quan tâm, một dự án có hai nhà đầu tư quan tâm (một nhà đầu tư trong nước và một nhà đầu tư nước ngoài quốc tị́ch Trung Quốc).
Đáng chú ý, việc huy động vốn tư nhân, nhất là vốn đầu tư nước ngoài và nguồn của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế cho các dự án PPP đang rất khó khăn.
Rà soát cho thấy, phần lớn dự án PPP triển khai giai đoạn trước thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, đến nay chỉ thu hút được nhà đầu tư trong nước, tức phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng trong nước.
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, bối cảnh nợ xấu của nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua khiến tình hình huy động vốn tín dụng cho BOT giao thông rất hạn chế, gây khó cho cả dự án BOT giao thông chuyển tiếp từ giai đoạn trước và các dự án được đề xuất mới theo Luật PPP.
Ngoài ra, thực tế triển khai các dự án PPP hạ tầng lớn, quan trọng về năng lượng và giao thông thời gian qua cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng nước ngoài đều yêu cầu các cơ chế bảo lãnh rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ, quy hoạch. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và nguồn lực để bảo lãnh các rủi ro dạng này chưa sẵn sàng.
Hai năm trước, trở lực nêu trên đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng và đề xuất nghiên cứu các giải pháp thu hút các quỹ tài chính, nguồn vốn quốc tế tham gia vào các dự án PPP tại Việt Nam.
Theo đó, một kinh nghiệm được tính tới là nhượng quyền kinh doanh các tài sản hạ tầng đã được đầu tư bằng vốn nhà nước nhằm thu hút đầu tư quốc tế cũng như giải quyết khó khăn của thị trường vốn vay thương mại cho các dự án PPP tại Việt Nam.
Bộ này đánh giá, cách làm này cơ bản phù hợp với bối cảnh đã, đang và sẽ hoàn thành đầu tư bằng vốn đầu tư công nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như: tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, một số tuyến cao tốc trọng điểm vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế trong triển khai các dự án PPP xuất phát từ quá trình thực thi Luật PPP mới và Nghị định 35 năm 2021 hướng dẫn thi hành.
Trước tiên, Nghị định 35 quy định, dự án giao thông vận tải có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên thì đáp đứng quy mô đầu tư dự án PPP. Việc áp dụng hạn mức cao đối với dự án dạng này hạn chế kêu gọi đầu tư do nhiều dự án đề xuất thực hiện ở một số địa phương có tổng mức đầu tư thấp hơn.
Thứ hai, trình tự thủ tục chuyển giao tài sản công trình dự án PPP, Bộ Công thương cho biết, hai dự án nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 và 3 sẽ được nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan thẩm quyền lần lượt vào tháng 4/2024 và tháng 3/2025. Tuy vậy, đến nay, đề xuất giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiếp nhận công trình vẫn chưa được chấp thuận do chưa làm rõ cơ sở lựa chọn.
Bên cạnh đó, xử lý chuyển tiếp dự án PPP hai năm vừa qua (triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực) đang phát sinh một số trường hợp cần quy định cụ thể như dự án BOT nguồn điện Quảng Trị, Dung Quất 2. Hai dự án trên đang đàm phán hợp đồng, chưa có cam kết/chấp thuận của cấp thẩm quyền về ưu đãi, bảo đảm đầu tư.
Theo quy định của Luật PPP, Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng. Trong khi đó, các dự án này trước đây chưa có quyết định chủ trương đầu tư của cấp thẩm quyền theo quy định của Luật PPP nên hiện không thể áp dụng cơ chế bảo đảm.
Thậm chí, một số trường hợp cần thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do nhiều nguyên nhân khác nhau như Cảng hàng không Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận, Cầu An Hải tỉnh Phú Yên và một số dự án trên địa bàn TP.HCM, nhưng hợp đồng các dự án đều chưa quy định cụ thể việc chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Một số dự án PPP dự kiến triển khai thời gian tới đáng chú ý có: Đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai giao Công ty CP Tập đoàn MIK Group lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài dài 50km, trị giá khoảng 20.900 tỷ đồng, đang trình liên ngành thẩm định,.
Ngoài ra còn có dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành dài 129km, tổng mức đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng do liên danh Tập đoàn Vingroup – Techcombank đề xuất.
Nguyễn Cảnh