Nút thắt khi Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn Việt Nam

Dù rất muốn đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam, nhưng 15 công ty Mỹ lại gặp vướng mắc về giấy phép, cũng như cam kết sử dụng năng lượng tái tạo với cổ đông, khách hàng - điều mà phía Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng.

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez cho biết hiện có 15 công ty tại Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn của Việt Nam, với điều kiện cần được cung ứng điện sạch.

"Họ sẵn sàng đầu tư nhưng gặp trở ngại khi đã cam kết với cổ đông, khách hàng là chỉ sử dụng năng lượng tái tạo, họ đợi hệ thống năng lượng này tại Việt Nam phát triển", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thông tin.

Ông Jose Fernandez nói thêm, 15 công ty này, bao gồm cả các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn, muốn rót vốn vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Bên cạnh vấn đề điện sạch, các công ty này cũng đang chờ giấy phép để tiếp tục kế hoạch đầu tư.

Nhiều công ty bán dẫn lớn của Mỹ đã đưa ra các cam kết về môi trường, như Intel tuyên bố sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030.

AMD cũng cam kết rằng 80% lượng điện mà các nhà cung cấp sản xuất trực tiếp của tập đoàn này sử dụng sẽ tới từ năng lượng tái tạo vào năm 2025. Không chỉ các tập đoàn Mỹ và ngành bán dẫn, sản xuất "xanh" đang trở thành mục tiêu mà doanh nghiệp đa quốc gia ở nhiều nước hướng tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tin rằng Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo vì có đường bờ biển dài và số giờ nắng cao. Nếu có thể tận dụng ưu thế ấy, Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh thế giới đang hướng đến mục tiêu sản xuất không phát thải.

"Thông điệp của tôi đến lãnh đạo Việt Nam là phải nắm bắt cơ hội ngay lúc này. Đang có cuộc cạnh tranh trên thế giới, nếu Việt Nam thắng sẽ rất có lợi", ông kể.

Thứ trưởng Jose Fernandez cũng cho biết, Mỹ sẽ hợp tác, ủng hộ Việt Nam thực hiện mục tiêu của mình với ngành công nghiệp bán dẫn. Một trong số đó là đào tạo được 50.000 kỹ sư cho ngành này.

Theo phân tích của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu gặp phải trong nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn chính là thiếu nguồn nhân lực có đủ kỹ năng tay nghề phù hợp.

Ông Fernandez cho biết, vấn đề thiếu nhân lực ngành bán dẫn không chỉ của riêng Việt Nam mà bản thân nước Mỹ cũng gặp phải vấn đề này.

Ngành bán dẫn cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác đang được chú trọng giữa Việt Nam và Mỹ. Chính phủ Mỹ đã hứa hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực trong ngành này, trong đó có cam kết cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, theo Tuyên bố chung trong tháng 9/2023.

Chia sẻ về cơ hội của ngành bán dẫn Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình cho biết, ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Năm 1960 ngành bán dẫn phát triển tại Mỹ, sau đó đến những năm 1970 chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan.

Đến ngày hôm nay, thế giới rất cần ngành bán dẫn, nhưng lực lượng lao động, đặc biệt là thanh niên ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại không muốn làm ngành này, vì ngành này phát triển nhanh, làm việc vất vả.

"Trong khi đó, thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành này. Để thu hút lực lượng thanh niên vào ngành này phải mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành", ông Bình nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch FPT, Tập đoàn này đã chuẩn bị cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn từ cách đây 10 năm. Năm 2022, FPT thành lập công ty FPT Semiconductor, đồng thời đưa nội dung đào tạo thiết kế vi mạch vào chương trình giảng dạy của ĐH FPT.

Nút thắt khi Mỹ muốn đầu tư 8 tỷ USD vào ngành bán dẫn Việt Nam
Ông Trương Gia Bình cho biết FPT đã chuẩn bị cho công nghệ bán dẫn từ cách đây 10 năm

Thực tế, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội và có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện như hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực, hệ sinh thái doanh nghiệp... để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Về phía địa phương, ông Vương Quốc Tuấn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, Bắc Ninh xác định lĩnh vực bán dẫn là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài.

Trong lĩnh vực bán dẫn, khu công nghiệp Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.

Với TP. HCM, theo ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM, đối với ngành vi mạch bán dẫn, thành phố có hệ sinh thái tương đối liền mạch, sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, có văn hóa về đổi mới sáng tạo.

Thành phố đã có trung tâm đào tạo bán dẫn với Synosys-công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử và IP bán dẫn của Hoa Kỳ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Tin liên quan