Vấn đề trong khai thác tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo không nằm ở nguồn tài chính mà nằm ở chính sách và quy trình, theo đánh giá mới nhất từ EY.
Ernst & Young (E&Y) – một trong bốn đơn vị kiểm toán hàng đầu thế giới – trong nghiên cứu mới nhất đánh giá, đầu tư vào năng lượng tái tạo là cơ hội lớn đang chờ được khai thác.
Điều đáng chú ý là, nguồn tài chính khả thi cho năng lượng tái tạo không phải là rào cản chính ở hầu hết thị trường ở châu Á, ngoại trừ một số thị trường mới nổi như Bangladesh và Pakistan – nơi thanh khoản tiền tệ nói chung và bất ổn kinh tế vĩ mô cản trở đầu tư.
Vấn đề mà các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo phải đối mặt là tình trạng thiếu các dự án khả thi do những trở ngại về chính sách và quy trình.
Kết luận này được E&Y đưa ra sau khi thực hiện tham vấn với hàng loạt nhà phát triển, bên cho vay, nhà đầu tư, hiệp hội ngành và tổ chức tài chính phát triển tại 9 thị trường châu Á.
Cụ thể, các rào cản phi tài chính liên quan đến cấp phép, quy trình phát triển, thu hồi đất, thiếu chuỗi cung ứng địa phương và các yêu cầu về dự án địa phương kéo theo rủi ro, tiến độ, chi phí và khả năng huy động vốn tổng thể của dự án.
Điều này tác động đến chi phí và điều kiện tài trợ. Cùng với đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rủi ro, các vấn đề trên có thể hạn chế khả năng tiếp cận nguồn tài chính sẵn có.
Những rào cản phi tài chính cũng ảnh hưởng đến khả năng thực hiện dự án vì nhiều dự án ở giai đoạn phát triển không đạt được nguồn tài chính do sự phức tạp và các chi phí trả trước liên quan.
Trong khi đó, khu vực này cần vốn cùng các chương trình nghị sự và tư duy cùng phát triển.
Vốn phát triển giai đoạn đầu hoặc các sản phẩm tài chính phù hợp với bối cảnh, ví dụ như bảo lãnh và bảo hiểm, có thể giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến những thách thức thị trường và các khuôn khổ phát triển, bao gồm cả việc giảm chi phí vốn.
Châu Á, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, dự kiến sẽ chứng kiến nhu cầu năng lượng tổng thể tăng khoảng 80% vào năm 2050. Khoảng 2/3 của nhu cầu phát sinh này sẽ được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch, khiến cho lượng khí thải CO2 của khu vực tăng thêm tới 35% so với năm 2020, theo dự báo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế.
Do đó, năng lượng tái tạo là chìa khóa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải ở châu Á.
Tuy nhiên, đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc, chỉ chiếm 14% tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2022 năm ngoái, theo dữ liệu của BloombergNEF.
Khu vực này có tiềm năng gió và mặt trời rất lớn, trong đó, các nước Đông Nam Á được dự báo có thể tăng gấp ba lần công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào năm 2030.
Không chỉ vậy, nguồn tài nguyên gió dồi dào ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines đã thu hút sự quan tâm đáng kể đến tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi.
Việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo ở châu Á có thể mang lại nhiều lợi ích như an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải.
Theo E&Y, các nền kinh tế châu Á nên xem xét các cách tạo ra môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi để giải phóng hàng tỷ USD đầu tư đang chờ đợi và thúc đẩy tiến trình hướng tới các mục tiêu năng lượng tái tạo.
Ông Gilles Pascual, đối tác khí hậu và chuyển đổi năng lượng tại E&Y, lưu ý rằng: “Nhiều thị trường châu Á có tiềm năng năng lượng tái tạo đáng kể. Thật đáng tiếc nếu không khai thác được tiềm năng này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á”.
Hiện nay, năng lượng tái tạo của khu vực đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư. Do đó, điều quan trọng là các bên liên quan phải hợp tác và vượt qua những trở ngại cụ thể mà các quốc gia này phải đối mặt.
Phương Anh