Thu hút doanh nghiệp nước ngoài tham gia chuyển dịch năng lượng

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chính sách liên quan đến khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, hướng đến chuyển dịch năng lượng, thực hiện hóa mục tiêu giảm phát thải và phát triển bền vững, có thể kể đến như Quy hoạch điện VIII hay gần đây là cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Đánh giá cao những nỗ lực ban hành khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, tuy nhiên, ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch tiểu ban phát triển xanh, Eurocham Việt Nam, cho biết, những chính sách vẫn chưa tạo được sự an tâm cho doanh nghiệp nước ngoài.

Lý giải điều này, ông Livesey đánh giá, lĩnh vực năng lượng của Việt Nam tồn tại nhiều điểm không rõ ràng, khiến nhà đầu tư nước ngoài chần chừ, ngần ngại, không như ở một số lĩnh vực khác như sản xuất, công nghiệp, nhà đầu tư luôn hiểu rõ các quy định và ước tính được lợi nhuận cho các khoản đầu tư.

Do đó, đại diện Eurocham đề xuất Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách theo hướng tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và chặt chẽ, qua đó thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư lớn, giàu tiềm năng, đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch năng lượng.

Điều này không chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 mà còn tạo ra ảnh hưởng lan tỏa tích cực tới nền kinh tế. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đều mong muốn sử dụng điện tái tạo để thực hiện cam kết, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu của các cổ đông, nhà đầu tư về đạo đức kinh doanh.

Đồng quan điểm, tại Diễn đàn "Năng lượng xanh, sạch hướng tới net zero" do VnEconomy tổ chức, ông John Rockhold, Chủ tịch hội đồng quản trị Amcham Hà Nội, Chủ tịch Nhóm công tác năng lượng và điện tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cho biết, nhà đầu tư mới sẽ luôn nghiên cứu khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ổn định trước khi ra quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Điều này cũng có nghĩa là nếu chậm trễ trong chuyển dịch năng lượng, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư sẵn sàng lựa chọn quốc gia khác, khiến Việt Nam bị bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Còn theo ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, chuyển dịch năng lượng không chỉ có ý nghĩa đối với thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi, các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng 8 – 10% mỗi năm.

Vì vậy, ông Thi cũng đồng tình với quan điểm rằng Việt Nam tiếp tục ban hành chính sách và sửa đổi một số luật liên quan theo hướng phù hợp với thực tiễn, thu hút hiệu quả các nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo và duy trì an ninh năng lượng.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường, chuyển dịch năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng không thể tác động quá nhiều đến giá điện, do đó cần phải kết hợp hiệu quả các nguồn lực, bao gồm vốn hỗ trợ từ quốc tế, vốn như nhân và vốn từ ngân sách nhà nước.

Về điều này, ông Livesey nhấn mạnh cơ chế chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), theo đó Việt Nam nhận được hỗ trợ 15,5 tỷ USD từ các nước phát triển cho quá trình chuyển dịch năng lượng.

Đại diện Eurocham nhận định, Việt Nam không nên quá lo lắng tình trạng nợ công khi triển khai giải ngân JETP, thay vào đó là có cơ chế hiệu quả để quản lý và sử dụng khoản vay, tạo ra tác động thiết thực tới công cuộc chuyển dịch năng lượng cũng như phát triển kinh tế.

Ông Livesey đề xuất, các khoản vay từ JETP sẽ tạo ra hiệu quả cao nếu được sử dụng cho những dự án mang tính chiến lược và dài hạn như nâng cấp lưới diện, tăng hiệu quả sử dụng điện, thay vì những dự án nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, ông Thi lưu ý, cần tính toán những tác động bất lợi liên quan đến xã hội khi chuyển dịch năng lượng, ví dụ như tình trạng việc làm của các công nhân đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác than hoặc nhà máy điện than. Cần có chính sách chuyển đổi nghề, an sinh xã hội phù hợp để nhóm lao động này được đảm bảo sinh kế.