Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm dù đã có chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn gây áp lực cho năm 2025 khi đây là năm cuối thực hiện kế hoạch trung hạn giai đoạn 2020-2025 và cũng là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đầu tư công dàn trải, phân tán, lãng phí
Hiện nay, đầu tư công chiếm khoảng 68% GDP, bằng 1/4 tổng số vốn đầu tư xã hội. Đầu tư công thông thường được tăng thêm trong thời kỳ khủng hoảng, kinh tế suy giảm. Vì thế, đầu tư công luôn là động lực tăng trưởng, là loại đầu tư kích thích thêm, thu hút thêm đầu tư từ tư nhân.
Nhiệm vụ của đầu tư công thông thường là tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Từ đó, tạo ra tiềm năng tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế.
Ở nước ta đầu tư công luôn có vai trò quan trọng. Thực tế, khoảng chục năm nay, Chính phủ luôn quan tâm đến giải ngân vốn đầu tư công. Thời gian qua cũng có nhiều thay đổi trong pháp luật quản lý đầu tư công, như những năm gần đây, Chính phủ thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với nền kinh tế.
Thế nhưng, chưa năm nào giải ngân vốn đầu tư công hết kế hoạch Thủ tướng giao. Việc thực hiện vẫn còn gặp những điểm nghẽn, dù đã dần được khắc phục.
Nói thẳng lý do, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đầu tư công đang dàn trải, phân tán, lãng phí… dẫn đến kém hiệu quả.
Phân tán ở chỗ, có quá nhiều dự án. Trước đây, hơn 10.000 dự án, sau đó cắt giảm còn 5.000 dự án, hiện nay còn khoảng 3.000 dự án đầu tư công. Số dự án nhiều dẫn đến tính dàn trải. Dàn trải ở mọi cấp, ngành. Gần như tất cả các tổ chức ở trung ương đều có thể làm cơ quan chủ quản đầu tư, theo kiểu, nếu xây dựng kế hoạch sẽ có thể nhận được vốn đầu tư công… Điều này cho thấy, khi phân bổ vốn đầu tư thì yếu tố hiệu quả không phải yếu tố đầu tiên.
"Hiện có quá nhiều cơ quan được quyền xin vốn đầu tư công và tham gia vào thẩm định, chấp thuận dự án từ trung ương cho đến địa phương. Khi có quá nhiều dự án, trong khi vốn không nhiều, tiêu chí lựa chọn không rõ ràng… thì việc một số dự án bị kéo dài là không tránh khỏi", ông Cung nói.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như, giải phóng mặt bằng; thiếu nguyên liệu; giá cả thay đổi, nhưng trong dự án không điều chỉnh linh hoạt khiến các nhà thầu càng làm càng lỗ… Đặc biệt, có hiện tượng nhà thầu không đủ năng lực.
Cần làm khác, nghĩ khác
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Chính phủ dự kiến ở mức hơn 790.000 tỷ đồng, một con số khá lớn. Kế hoạch này sẽ đặt áp lực lên công tác giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.
Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nay, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Tuy vậy, để đạt được thành quả này, đòi hỏi cần có những giải pháp, cách làm mới nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
"Với năm 2025, yêu cầu được đặt ra là cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh góp ý.
Theo ông Thanh, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, chuyện sớm phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án là điều quan trọng. Ở góc độ khác, việc nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án cũng là điều kiện tiên quyết để ngay khi có vốn, dự án có thể được đưa vào thực hiện, giải ngân, không để tình trạng "vốn chờ dự án" như lâu nay.
Từ phân tích những vướng mắc, TS Nguyễn Đình Cung nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm rằng, "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn", bởi điều này đúng với Luật Đầu tư công. Ông Cung cho rằng, chúng ta phải gỡ trên 2 phương diện. Một là gỡ về luật pháp, hai là cách thức tổ chức thực hiện luật pháp.
Về việc tổ chức thực hiện luật pháp, ông Cung nhấn mạnh: Đầu tư công không phải công cụ giải quyết công bằng xã hội, mà là công cụ thực hiện phát triển xã hội, tức là thúc đẩy phát triển, tạo điều kiện phát triển… Cho nên, đầu tư công phải nhấn mạnh đến hiệu quả và sức lan tỏa của từng dự án đối với phát triển chung.
"Rõ ràng không phải ai cũng cần đầu tư công, không phải tổ chức nào cũng có quyền là cơ quan chủ quản dự án đầu tư công. Được hiểu là, hội nhà văn, nhà thơ, các tổ chức công đoàn… không phải là tổ chức có thể thường xuyên nhận vốn đầu tư công và dự án đầu tư công. Như vậy, giải pháp đầu tiên là xác định rõ ưu tiên trong từng thời kỳ. Thí dụ, đây là thời điểm chúng ta ưu tiên đầu tư công vào phát triển hạ tầng. Mỗi thời kỳ sẽ xác định một vài lĩnh vực ưu tiên và chỉ tập trung vào đấy. Dự án cũng phải ưu tiên. Tức là sắp xếp dự án ưu tiên trong lĩnh vực ưu tiên, dự án trọng điểm trong lĩnh vực trọng điểm. Khi đã tập trung vốn rồi thì phải dồn lực thực hiện thật nhanh", ông Cung nêu ý kiến.
Còn về việc gỡ vướng mắc về luật pháp, năm 2024, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội khóa XV thông qua nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong năm tới. Theo đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, gồm 7 Chương, 103 Điều với rất nhiều nội dung mang tính đột phá. Trong đó, có chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục đầu tư, cũng như công tác chuẩn bị đầu tư...
Cụ thể, vốn đầu tư sau khi được các bộ, ngành, địa phương trình lên sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định làm; địa phương được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình lên trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương…
Kỳ vọng những điểm mới này sẽ giải quyết được một số vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ, từ đó tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 là hơn 38.605 tỷ đồng, đạt 67,38% kế hoạch; ước giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 là hơn 529.632 tỷ đồng, đạt 70,24% kế hoạch, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 73,5% kế hoạch và đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Kết quả, trong 12 tháng của năm 2024, có 16/46 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
HỒNG HẠNH