Nhiều công ty dược phẩm lớn đang tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc trong việc sản xuất thuốc dùng cho thử nghiệm lâm sàng và sản xuất ở giai đoạn đầu, một động thái mang lại lợi ích cho các đối thủ ở Ấn Độ…
Bên trong một cơ sở sản xuất của Sai Life Sciences ở Bindar, Ấn Độ
Trung Quốc trong gần 20 năm qua là địa điểm ưa thích cho một loạt các dịch vụ nghiên cứu và sản xuất dược phẩm do chi phí thấp và tốc độ hoạt động nhanh.
Mối quan hệ đó, giữa các công ty dược phẩm quốc tế và nhà sản xuất thuốc theo hợp đồng, phần lớn được giữ vững bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Donald Trump hay biến động chuỗi cung ứng mà các ngành công nghiệp khác phải trải qua trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, căng thẳng ngày càng gia tăng với Trung Quốc đã khiến nhiều chính phủ phương Tây khuyến nghị các công ty tìm cách giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá lớn vào siêu cường châu Á.
Và điều đó đang khiến một số công ty công nghệ sinh học cân nhắc sử dụng các nhà sản xuất ở Ấn Độ để sản xuất hoạt chất dược phẩm (API) cho các thử nghiệm lâm sàng hoặc các công việc thuê ngoài khác.
Tommy Erdei, đồng giám đốc toàn cầu của bộ phận đầu tư chăm sóc sức khỏe tại Jefferies, cho biết: “Ngày nay, có lẽ bạn sẽ không gửi RFP (yêu cầu đề xuất) cho một công ty Trung Quốc. Nó giống như kiểu “Dù họ có thể làm với giá rẻ hơn, nhưng tôi vẫn không muốn bắt đầu đưa sản phẩm của mình vào Trung Quốc”.
Tiến sĩ Ashish Nimgaonkar, nhà sáng lập Glyscend Therapeutics - một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mỹ đang thử nghiệm các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì - cũng đồng ý với quan điểm này. Ông Nimgaonkar nhận xét: “Tất cả các yếu tố trong nhiều năm qua đã khiến Trung Quốc trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn đối với chúng tôi”.
Tiến sĩ Nimgaonkar nói với Reuters rằng khi Glyscend đưa ra RFP sau này trong giai đoạn phát triển các loại thuốc đang thử nghiệm, thì họ sẽ ưu tiên các tổ chức sản xuất và phát triển theo hợp đồng (CDMO) của Ấn Độ thay vì của Trung Quốc.
Bốn trong số các CDMO lớn nhất của Ấn Độ - Syngene, Aragen Life Sciences, Piramal Pharma Solutions và Sai Life Sciences - đều tiết lộ với Reuters rằng năm nay họ nhận thấy sự quan tâm và yêu cầu ngày càng tăng từ các công ty dược phẩm phương Tây, bao gồm cả các công ty đa quốc gia lớn.
Trích dẫn nguồn tin mà Reuters thu thập được, một số công ty dược phẩm lớn đang muốn bổ sung thêm Ấn Độ làm đơn vị sản xuất thứ hai ngoài Trung Quốc. Những doanh nghiệp khác có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc và thậm chí còn đưa ra yêu cầu khởi tạo chuỗi cung ứng mới ở Ấn Độ.
Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence có trụ sở tại Ấn Độ ước tính doanh thu từ ngành CDMO của Ấn Độ là 15,6 tỷ USD trong năm nay, thấp hơn nhiều so với 27,1 tỷ USD của Trung Quốc. Nhưng họ kỳ vọng doanh thu của Ấn Độ sẽ tăng trung bình hơn 11% mỗi năm trong 5 năm tới, so với khoảng 9,6% của Trung Quốc.
Ông Peter DeYoung từ Piramal Pharma Solutions cho biết, năm nay công ty của ông đã nhận được yêu cầu từ khách hàng về việc “hội nhập ngược vào Ấn Độ”, điều đó có nghĩa là ngay cả những nguyên liệu thô cơ bản nhất cũng có nguồn gốc từ quốc gia này thay vì Trung Quốc. Piramal mua khoảng 15% nguyên liệu thô từ Trung Quốc nhưng đang cố gắng giảm bớt số lượng đó.
Tương tự, Sai Life Sciences cũng đã tăng gần gấp đôi công suất sản xuất kể từ năm 2019 và sẽ bổ sung thêm 25% công suất trong năm tới để đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, những lợi ích đầy đủ mà các nhà sản xuất Ấn Độ mong muốn nhận được sẽ chưa thể xuất hiện ngay lập tức, ông Peter DeYoung - giám đốc điều hành của Piramal Pharma Solutions nhận định. Theo ông, sẽ mất một thời gian để các biện pháp trong giai đoạn phát triển ban đầu có thể đưa ra thị trường, khi đó hợp đồng mới sinh lời cho các công ty gia công.
Bà Helen Chen, nhà phân tích thuộc khu vực Trung Quốc tại công ty tư vấn L.E.K., cho biết CDMO Trung Quốc là nhà sản xuất thuốc sinh học có uy tín, đòi hỏi ngưỡng phê duyệt theo quy định cao hơn so với thông thường. “Việc thuê một công ty mới cho những công việc phức tạp như sản xuất sinh học có thể mất từ 3 đến 5 năm, chứ không đơn giản chỉ là ký hợp đồng và thực hiện”, bà Chen lưu ý.
Ấn Độ đang tìm kiếm chỗ đứng tốt hơn trong lĩnh vực dược phẩm để tăng doanh thu và danh tiếng cho ngành công nghiệp trị giá 42 tỷ USD của địa phương. Nhưng những lo ngại về sự giám sát lỏng lẻo vẫn tồn tại. Tiến sĩ Nimgaonkar của Glyscend Therapeutics cho biết CDMO Ấn Độ cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo uy tín của họ về tiêu chuẩn chất lượng ngang bằng với tiêu chuẩn phương Tây và Trung Quốc.
Kim Nguyễn