Mười nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng góp đáng kể vào GDP toàn cầu và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chính sách kinh tế và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hai trong số đó là Nhật Bản và Vương quốc Anh mới đây đã công bố tình trạng suy thoái kinh tế, với tăng trưởng của quốc gia suy yếu trong hai quý liên tiếp.
Trong khi đó, 8 quốc gia còn lại trong danh sách đã chứng kiến đà phục hồi đầy hứa hẹn, với Ấn Độ ghi nhận tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức cao.
Cùng điểm qua top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2024, dựa trên phân tích dữ liệu của IMF (tính đến ngày 7/2/2024):
Mỹ
GDP: 27.974 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 83 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 1,5%
Kể từ năm 1960 đến nay, Mỹ vẫn giữ vững vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nền kinh tế của Mỹ có sự đa dạng vượt trội, được thúc đẩy bởi các lĩnh vực quan trọng, bao gồm dịch vụ, sản xuất, tài chính và công nghệ. Bên cạnh đó, Mỹ có một thị trường tiêu dùng khổng lồ, môi trường làm việc đổi mới sáng tạo, cùng cơ sở hạ tầng vững chắc và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi.
Trung Quốc
GDP: 18.566 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 13 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 4,2%
Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ đáng chú ý về tiến bộ kinh tế, thăng hạng từ vị trí thứ tư vào năm 1960 lên vị trí thứ hai trong những năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Quốc gia này tự hào sở hữu một lực lượng lao động dồi dào, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, những tiến bộ về cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu dùng đang mở rộng nhanh chóng.
Đức
GDP: 4.730 tỷ USD
GDP bình quân đầu người (Nghìn): 56 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 0,9%
Nền kinh tế Đức tập trung mạnh vào xuất khẩu và nổi tiếng về độ chính xác trong các lĩnh vực kỹ thuật, ô tô, hóa chất và dược phẩm. Nó có được lợi thế từ lực lượng lao động lành nghề chuyên môn cao, các sáng kiến nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ cũng như cam kết rõ ràng trong chiến lược thúc đẩy đổi mới.
Nhật Bản
GDP: 4.291 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 34 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 1,0%
Nền kinh tế của Nhật Bản nổi bật bởi công nghệ tiến bộ, năng lực sản xuất và ngành dịch vụ đa dạng. Quốc gia này vẫn đứng đầu châu Á trong các lĩnh vực về ô tô, điện tử, máy móc và tài chính. Hơn nữa, Nhật Bản còn luôn được ca ngợi về đạo đức làm việc, luôn tiên phong về tiến bộ công nghệ đi cùng với chất lượng vượt trội.
Tuy ghi nhận tốc độ tăng trưởng cả năm là 1,0%, nhưng theo dữ liệu chính phủ, trong quý 4/2023, GDP của Nhật Bản đã giảm 0,4% sau khi giảm 3,3% trong quý trước đó. Về mặt kỹ thuật, với hai quý trượt giảm liên tiếp, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái. Đây cũng là lý do khiến Nhật Bản trượt khỏi vị trí nền kinh tế thứ 3 thế giới.
Ấn Độ
GDP: 4.112 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 2,8 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 6,3%
Nền kinh tế Ấn Độ tự hào về sự đa dạng và tăng trưởng nhanh chóng, được thúc đẩy bởi các lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin, dịch vụ, nông nghiệp và sản xuất. Quốc gia này tận dụng được thị trường nội địa đông đúc nhất thế giới, lực lượng lao động trẻ và thành thạo về công nghệ cũng như tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Ấn Độ cũng được kỳ vọng có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030.
Vương quốc Anh
GDP: 3.592 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 52 nghìn tỷ USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 0,6%
Nền kinh tế của Vương quốc Anh bao gồm sự kết hợp của các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, tài chính và đổi mới sáng tạo. Thủ đô London hoạt động như một trung tâm tài chính toàn cầu và là thỏi nam châm thu hút một lượng lớn đầu tư nước ngoài. Sự mở rộng kinh tế của Vương quốc Anh còn được định hình bởi các liên minh thương mại và chiến lược toàn cầu hóa.
Với 2023 được đánh giá là năm có tốc độ tăng trưởng GDP tồi tệ nhất kể từ năm 2009, trong đó GDP quý 4/2023 giảm 0,3% sau khi giảm 0,1% trong quý 3/2023 và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh.
Pháp
GDP: 3.182 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 48 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 1,3%
Nền kinh tế của Pháp nổi bật với tính chất đa dạng hóa, tập trung mạnh mẽ vào các lĩnh vực hàng không vũ trụ, du lịch, hàng xa xỉ và nông nghiệp. Bên cạnh đó, nước Pháp được ca ngợi bởi hệ thống phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng phát triển và đầu tư đáng kể vào R&D (nghiên cứu & phát triển).
Italy
GDP: 2.280 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 38 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 0,7%
Italy tự hào có một thị trường phát triển cao và là nền kinh tế lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu. Quốc gia này được biết đến với các lĩnh vực kinh doanh có tầm ảnh hưởng và tiên phong cũng như ngành nông nghiệp siêng năng và đầy tính cạnh tranh.
Brazil
GDP: 2.272 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 11 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 1,5%
Nền kinh tế Brazil thể hiện sự đa dạng qua các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất và dịch vụ. Đáng chú ý, đây là một trung tâm nổi bật toàn cầu về sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp. Một số yếu tố, bao gồm giá cả hàng hóa, tiêu dùng nội địa và sự tiến bộ của cơ sở hạ tầng đã định hình cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Brazil.
Canada
GDP: 2.242 tỷ USD
GDP bình quân đầu người: 55 nghìn USD
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm: 1,6%
Canada phụ thuộc rất lớn vào nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, bao gồm dầu, khí đốt, khoáng sản và gỗ. Hơn nữa, quốc gia này tự hào có một lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh mẽ, một ngành sản xuất dẫn đầu và luôn đẩy mạnh các nỗ lực đổi mới và tiến bộ công nghệ.
Kim Nguyễn