Giữa bối cảnh kinh tế trì trệ, giới trẻ Trung Quốc chê công việc bàn giấy vì muốn dành thời gian làm việc mình thích

Đối mặt với triển vọng việc làm ngày càng khó khăn, nhiều bạn trẻ Trung Quốc đang lựa chọn cách thức “nằm thẳng” (Lying flat), một thuật ngữ Trung Quốc dùng để mô tả thái độ bàng quang với công việc, xã hội để dành thời gian cho bản thân…

Chu Yi, một cô gái 23 tuổi sống ở Thượng Hải, từng làm việc tại một công ty thời trang nhưng gần đây đã quyết định xin nghỉ việc vì thường xuyên phải làm thêm giờ và rất ghét sếp.

Chu Yi hiện làm việc bán thời gian ở nhà chỉ một ngày một tuần cho một công ty du lịch. Đây là công việc tạm thời giúp cô có nhiều thời gian để tập xăm hình trong chương trình học nghề kéo dài sáu tháng để trở thành một nghệ sĩ xăm hình toàn thời gian.

Và Chu Yi không hề đơn độc trong xu hướng “nằm thẳng” ở xã hội Trung Quốc ngày nay. Mặc dù chưa có dữ liệu chính xác về việc có bao nhiêu thanh niên Trung Quốc từ chối làm các công việc công ty, bàn giấy truyền thống, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên tại quốc gia tỷ dân đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phải chật vật để phục hồi lại mức tăng trưởng trước đại dịch.

“Đối với tôi, công việc bàn giấy không có nhiều ý nghĩa. Hầu hết việc đó dường như là hoàn thành cho người khác và khiến người khác hài lòng chứ chẳng mang lại cảm giác gì cho bản thân. Vì vậy, tôi quyết định không làm việc”, Chu Yi chia sẻ.

Có khoảng 280 triệu thanh niên Trung Quốc giống như Chu Yi - được sinh ra trong khoảng thời gian 1995-2010 - và các cuộc khảo sát cho thấy Gen Z là nhóm có suy nghĩ bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi tại Trung Quốc

Việc xoa dịu và khuyến khích thế hệ trẻ này trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong gần nửa thế kỷ là một thách thức quan trọng trong chiến lược hoạch định chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vào tháng trước, Bộ Nhân lực Trung Quốc cho biết cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy việc làm vào năm 2024, đặc biệt là cho giới trẻ.

Zhou Yun, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan, lưu ý với Reuters rằng chính phủ không thể bỏ qua sự bi quan của giới trẻ về tương lai. “Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và thị trường lao động thắt chặt, thách thức sâu sắc đối với những người trẻ tuổi là vượt qua sự bất bình đẳng xã hội cứng nhắc, thắt chặt kiểm soát chính trị và triển vọng kinh tế mờ mịt”, ông Zhou đánh giá.

Tất cả những điều này kết hợp lại đang khiến những người trẻ như Chu Yi ưu tiên hạnh phúc và lợi ích của bản thân hơn cái mà cô gọi là "áp lực không ngừng" của công việc bàn giấy. Chu Yi cho biết hiện tại cô hạnh phúc hơn rất nhiều và tin rằng sự lựa chọn của mình là đáng giá.

"Mức lương hiện tại của tôi dù không nhiều nhưng cũng đủ trang trải chi phí hàng ngày. Thời gian rảnh rỗi có giá trị hơn vài chục nghìn nhân dân tệ”, Chu Yi nhấn mạnh.

Tin liên quan