Thương mại toàn cầu đang đối mặt với những cú sốc và bất ổn do chính sách thuế quan gia tăng và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là nền kinh tế năng động và là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế…
Tại hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Hoa Kỳ do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/7, các chuyên gia đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình hình thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động không ngừng, sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ là minh chứng rõ nét cho năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng.
DOANH NGHIỆP VIỆT NAM LÀ NHÂN TỐ CHIẾN LƯỢC TRONG TÁI ĐỊNH HÌNH THƯƠNG MẠI HOA KỲ
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, đặc biệt là sự gia tăng của các rào cản thuế quan dẫn đến chi phí giao thương cao hơn và gián đoạn chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò then chốt đối với thị trường Hoa Kỳ.
Mặc dù dự báo thương mại toàn cầu sẽ giảm sút vào năm 2025, Việt Nam vẫn nổi lên như một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất quốc tế và nguồn cung cấp hàng hóa cạnh tranh cho thị trường toàn cầu.
Hoa Kỳ luôn là đối tác thương mại số một của Việt Nam, thể hiện rõ qua kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Trung bình hàng năm, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm từ 30% đến 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt xấp xỉ 71 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2024, với thặng dư thương mại đạt khoảng 65 tỷ USD.
Sự tăng trưởng vượt bậc này không chỉ phản ánh nhu cầu dự trữ hàng hóa của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trước chính sách thuế quan mà còn cho thấy sự đánh giá cao của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam về giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng và chất lượng được cải thiện. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc chinh phục niềm tin và nhu cầu của thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Goldman Sachs, Amazon, Apple vẫn coi Việt Nam là môi trường đầu tư ổn định, và dù có chênh lệch thuế quan không đáng kể giữa các nước, Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những lợi thế và cơ hội, thị trường Hoa Kỳ vẫn tiềm ẩn những thách thức, đặc biệt là các chính sách thuế quan. Dù mức thuế đối ứng ban đầu đối với một số nước (trong đó có Việt Nam) đã được tạm hoãn và áp dụng mức cơ sở 10%, các ngành sử dụng nhiều lao động của Việt Nam như dệt may, giày dép vẫn cần chuẩn bị cho những kịch bản khó khăn nếu mức thuế tăng cao.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã vội lo lắng. Đại diện cơ quan Tham tán Việt Nam tại Hoa Kỳ cung cấp thêm thông tin, hiện các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Walmart, Target, Costco, TJX đều khẳng định sẽ tham gia sự kiện Vietnam International Sourcing Expo do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM vào tháng 9 để tìm kiếm các nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, thực hiện kết nối giao thương B2B, đặc biệt với các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản, thực phẩm, đồ gỗ và nội thất.
Cũng theo nhìn nhận của đại diện cơ quan tham tán, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc cung cấp hàng hóa mà còn là mắt xích quan trọng trong việc định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ.
GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động, thị trường Hoa Kỳ luôn là điểm đến chiến lược nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội và vượt qua rào cản, việc tăng cường xúc tiến thương mại và nắm bắt thông tin thị trường là vô cùng cần thiết.
Ông Hưng đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng tổ chức.
Bên cạnh đó, cập nhật thông tin chính sách thuế quan từ các nguồn chính thống của Hoa Kỳ là yếu tố sống còn để doanh nghiệp đưa ra các quyết định sản xuất và xuất khẩu đúng đắn, tránh những rủi ro không đáng có. Chủ động kết nối với Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (tại Washington D.C., New York, Houston và San Francisco) sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, nắm bắt thay đổi pháp luật về xuất nhập khẩu và nhận được hỗ trợ cần thiết trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Ngoài ra, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và tuân thủ các quy định quốc tế là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp vươn ra biển lớn. Việc đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ và các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, luật lao động (chống lao động cưỡng bức), và các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro pháp lý và thuế quan không đáng có.
Dưới góc nhìn phân tích chuyên sâu, ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá, thị trường Hoa Kỳ vẫn là một cái thị trường có giá trị lớn đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu toàn cầu trong năm nay cũng như là vài năm tới.
Trước những thách thức của thương mại toàn cầu, cần có những giải pháp chiến lược. Ông Marc Mealy đặc biệt khuyến nghị ba hướng đi chính cho doanh nghiệp Việt Nam: Thứ nhất, tập trung vào sản phẩm thiết yếu, đẩy mạnh sản xuất và tiếp thị các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà người Mỹ vẫn sẽ mua, bất chấp giá nhập khẩu có thể tăng.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt nên khai thác thị trường ngách, nhắm tới các phân khúc thị trường chuyên biệt, nơi sản phẩm chất lượng cao có thể đạt mức giá tốt, ví dụ như thực phẩm hữu cơ trong ngành nông nghiệp. Người tiêu dùng ở những thị trường này sẵn sàng chi trả cao hơn cho giá trị đặc biệt.
Thứ ba, các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam nên nghiên cứu mô hình thành công của các nhà sản xuất, xuất khẩu thủy sản. Tích cực tham gia các hội chợ và chương trình xúc tiến thương mại chuyên ngành để tìm kiếm cơ hội và học hỏi kinh nghiệm. Những chiến lược này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam vững vàng hơn và mở ra những cơ hội mới, bền vững tại thị trường Hoa Kỳ.
Cùng với đó, ông Marc đề xuất hai mô hình chính để các công ty Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ: B2B (Business-to-Business), doanh nghiệp bán hàng cho các công ty nhập khẩu của Mỹ, sau đó họ sẽ bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
B2C (Business-to-Consumer), bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng tại Mỹ. "Với mô hình này, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, đảm bảo sản phẩm thu hút, chất lượng, thú vị và mới lạ đối với người tiêu dùng Mỹ, đồng thời áp dụng công nghệ mới để nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm", ông Marc nói.
Ông Marc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Chính phủ Việt Nam và các bộ, ban, đã và đang đầu tư mạnh mẽ, tạo ra nhiều thể chế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ.