Lại “nóng” vấn đề di cư tới châu Âu

Các vụ tấn công bằng dao xảy ra liên tiếp đã thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz xem xét lại chính sách kiểm soát người di cư, tị nạn bất hợp pháp. Nước này sẽ sớm nối lại việc trục xuất người nhập cư và xin tị nạn về Syria và Afghanistan, như một phần trong gói các biện pháp nhằm siết chặt an ninh và chính sách tị nạn.

Ngày 30/8, Đức đã tiến hành đợt trục xuất đầu tiên công dân Afghanistan về nước kể từ khi phong trào Taliban trở lại nắm quyền tại quốc gia Nam Á này hồi tháng 8/2021. Người phát ngôn của Chính phủ CHLB Đức, ông Steffen Hebestreit cho biết, những người bị trục xuất là công dân Afghanistan, đều là tội phạm đã bị kết án. Họ là những người không được phép ở lại Đức và đã có lệnh trục xuất. Đức đã đề nghị các đối tác then chốt trong khu vực hỗ trợ thực hiện việc trục xuất.

Theo Der Spiegel, Chính phủ Đức đối mặt áp lực hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp, phải có hành động mạnh tay với những người xin tị nạn nguy hiểm và bị kết án sau một loạt vụ phạm tội nghiêm trọng mà phần lớn nghi phạm là người di cư.

Ngày 30/8, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra trên xe bus làm 5 người bị thương. Hung thủ là một phụ nữ 32 tuổi đã bị bắt giữ ngay sau đó. Nước Đức đã bị chấn động bởi một vụ tấn công bằng dao một tuần trước khiến 3 người chết và 8 người bị thương ở thành phố Solingen. Nghi phạm là một người đàn ông Syria 26 tuổi, trước đó đã bị trục xuất về Bulgaria. Danh tính của nghi phạm đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chính sách nhập cư và tị nạn của Đức.

Các vụ tấn công bằng dao xảy ra liên tiếp đang gia tăng sức ép với liên minh trung tả cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, từ nội bộ cũng như phe đối lập, về vấn đề kiểm soát người nhập cư. Trên trang cá nhân, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) đối lập theo đường lối trung hữu, Friedrich Merz, kêu gọi Thủ tướng Olaf Scholz hợp tác với CDU để đưa ra quyết định nhanh chóng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự. Ông Merz đề nghị triệu tập một cuộc họp trong vài ngày tới, đồng thời đề xuất một loạt biện pháp mạnh tay, trong đó có trục xuất người tị nạn về Syria và Afghanistan, đồng thời không nhận thêm người tị nạn từ 2 quốc gia này. Ngoài ra, bất kỳ người tị nạn nào hồi hương cùng những trường hợp bị Đức trục xuất cũng sẽ lập tức bị tước quy chế cư trú ở Đức.

Chủ tịch CDU cho rằng, liên minh cầm quyền có thể sẽ sớm chấp thuận các đề xuất như tăng cường giám sát biên giới và khôi phục các nguyên tắc của Quy chế Dublin. Theo đó, người xin tị nạn đặt chân vào lãnh thổ của nước EU nào đầu tiên thì nước đó sẽ chịu trách nhiệm giải quyết yêu cầu tị nạn. Theo truyền thông Đức, nghi phạm người Syria của vụ đâm dao ở thành phố Solingen đã vào EU qua Bulgaria và lẽ ra phải nộp đơn xin tị nạn ở đó theo Quy chế Dublin. Sau khi đơn xin tị nạn ở Đức bị từ chối vào năm 2023, nghi phạm phải bị trục xuất về Bulgaria nhưng người này đã bỏ trốn.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser (đảng Dân chủ Xã hội - SPD của Thủ tướng Olaf Scholz) cho biết, Đức hiện đang mở rộng việc kiểm soát biên giới trong bối cảnh nhiều nước EU như Bulgaria và Romania dễ dàng cho phép người tị nạn sang Đức. Cảnh sát Đức hiện đang tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tại một số khu vực biên giới giáp Ba Lan, CH Czech và Áo. Biện pháp này được áp dụng cho tới tháng 12 năm nay và có thể sẽ được kéo dài thêm ít nhất 6 tháng.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck (đảng Xanh) cũng kêu gọi siết chặt hơn nữa trong quản lý việc mang dao và những loại vũ khí khác tại các sự kiện công cộng. Chủ tịch tổ chức công đoàn “Hiệp hội Cảnh sát hình sự Đức” Dirk Peglow đề nghị cho phép cảnh sát khám xét việc mang dao mà không cần lý do cụ thể, đồng thời cấm sử dụng dao ở những địa điểm công cộng.

Thủ tướng Olaf Scholz nêu rõ: "Chúng ta sẽ phải làm mọi thứ có thể để bảo đảm hồi hương và trục xuất những người không thể và không được phép ở lại Đức". Tuy nhiên, theo giới phân tích, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề người di cư thì biện pháp mạnh tay là chưa đủ. Điều quan trọng là các quốc gia châu Âu cần thống nhất về ý chí và hành động trong kiểm soát làn sóng tị nạn, di cư.