Vấn đề hạt nhân Iran lại nóng

Căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây lại nổi lên sau khi Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua nghị quyết yêu cầu Tehran “cải thiện hợp tác” và IAEA báo cáo toàn diện về chương trình hạt nhân Iran. Đây là lần thứ hai trong 5 tháng yêu cầu như vậy được đưa ra. Trong phản ứng tức thì, Iran thông báo kích hoạt một loạt máy ly tâm mới.

Tại cuộc họp ngày 20/11, Hội đồng Thống đốc IAEA, gồm 35 quốc gia thành viên, đã thông qua nghị quyết yêu cầu Iran hợp tác hiệu quả hơn với IAEA, đồng thời đặt thời hạn đầu năm 2025 để tổ chức giám sát hạt nhân của LHQ này công bố “báo cáo toàn diện” về chương trình hạt nhân của Iran. Nghị quyết do Anh, Pháp và Đức (còn gọi là Nhóm E3) đề xuất và thúc đẩy thông qua. Trừ một thành viên không tham gia bỏ phiếu, văn kiện được 19 phiếu ủng hộ, 12 phiếu trắng và 3 phiếu chống của Trung Quốc, Nga và Burkina Faso.

Nghị quyết yêu cầu Tehran đưa ra câu trả lời về việc phát hiện các “dấu vết urani” tại hai địa điểm mà Iran không thông báo là khu vực hạt nhân. Đây cũng là nội dung nghị quyết từng được IAEA thông qua hồi tháng 6. Nghị quyết cũng yêu cầu IAEA đưa ra đánh giá toàn diện và cập nhật về khả năng hiện diện hoặc sử dụng vật liệu hạt nhân chưa khai báo liên quan chương trình hạt nhân Iran, đồng thời báo cáo đầy đủ về sự hợp tác của Iran với IAEA về các vấn đề này.

Nhóm E3 và các nước phương Tây hy vọng bản báo cáo của IAEA, dự kiến ​​công bố vào mùa xuân năm 2025, sẽ gây sức ép buộc Iran phải đàm phán về những hạn chế mới đối với các hoạt động hạt nhân của nước này. Theo nguồn tin ngoại giao, những quy định mới không quá sâu rộng như trong Chương trình hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015, vốn đã đổ vỡ sau khi Mỹ rút đi vào năm 2018.

Đáng chú ý, nghị quyết của IAEA được thông qua chỉ vài ngày sau khi Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi thăm Iran và thị sát hai cơ sở hạt nhân. Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Iran và IAEA tái khẳng định cam kết “tiếp tục đối thoại và tương tác” để giải quyết bất đồng cùng những vấn đề khác. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết kiềm chế cách tiếp cận đối đầu và không mang tính xây dựng.

Theo báo cáo IAEA đưa ra trước thềm cuộc họp của Hội đồng Thống đốc, kho dự trữ urani làm giàu của Iran ước tính vượt 32 lần mức giới hạn theo, JCPOA. Tuy nhiên, IAEA cho biết, Iran đã bắt đầu thực hiện các bước để ngừng tăng cấp độ làm giàu urani và khẳng định có thể xác minh được việc Iran thực hiện các biện pháp cần thiết để giữ tỷ lệ làm giàu urani không quá 60%.

Phía Iran khẳng định cam kết hợp tác với IAEA và sẵn sàng giải quyết tranh cãi hiện nay, nhưng sẽ “không khuất phục trước áp lực”. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Araghchi nhấn mạnh, Tehran sẽ có “phản ứng thích đáng” đối với các cường quốc phương Tây đề xuất nghị quyết chống Iran. Trong cuộc trao đổi với người đồng cấp Pháp, Bộ trưởng Araghchi phản đối mạnh mẽ việc ba nước châu Âu thúc đẩy thông qua nghị quyết của IAEA, cảnh báo việc này chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

Trong động thái đáp lại nghị quyết của IAEA, ngày 22/11, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) đã ban hành “lệnh thực hiện các biện pháp hiệu quả”, trong đó khởi động một loạt máy ly tâm tiên tiến mới.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt chống Iran dẫn tới JCPOA đổ vỡ và Tehran thu hẹp cam kết. IAEA và Iran lâu nay cũng bất đồng trong nhiều vấn đề, nhất là việc Iran từ chối mở rộng hoạt động thanh sát của IAEA và Tehran không giải thích về “dấu vết urani” được tìm thấy tại các địa điểm không được công bố. Nỗ lực khôi phục JCPOA được nối lại từ tháng 4/2021, tại Vienna (Áo). Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được tiến triển nào đáng kể và các cuộc đàm phán tạm ngưng từ tháng 8/2022.

Nghị quyết mới nhất của IAEA đã làm nóng trở lại tranh cãi giữa các bên. Các nước châu Âu muốn sử dụng văn kiện này tạo sức ép mới đối với Iran. Tuy nhiên, khẳng định tiếp tục hợp tác với IAEA, song Iran không dễ chấp nhận áp lực trở lại bàn đàm phán.

Tin liên quan