Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua 2 website: www.gacc.app và www.aqsiq.net.
Trước thông tin này, Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc không yêu cầu về loại giấy tờ này và quy định thu phí trực tuyến.
Theo đó, 2 website trên có dấu hiệu giả mạo và lừa đảo doanh nghiệp khi sử dụng tên viết tắt tiếng Anh của các cơ quan trực thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc trong địa chỉ website. Yêu cầu các doanh nghiệp phải trả phí từ 100 - 1.000 USD để đăng kí giấy tờ chứng nhận mã số xuất khẩu sang thị trường này.
Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần truy cập các website chính thức của phía Trung Quốc có đuôi .cn như trên để kiểm tra kết quả đăng ký, tra cứu thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời liên tục cảnh giác với các yêu cầu bất thường trong quá trình giao thương với đối tác.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo quy định của Hải quan Trung Quốc và Việt Nam, không có chuyện thu phí về việc cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
Trong trường hợp nhận có phía khách hàng yêu cầu như vậy thì đề nghị các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia là Văn phòng SPS Việt Nam, chúng tôi sẽ có trách nhiệm để giải đáp các quy định này cho doanh nghiệp. Sắp tới Văn phòng SPS Việt Nam cũng đang dự kiến xây dựng cổng thông tin sẽ kết nối với các doanh nghiệp thông qua các app để có thông tin chúng tôi sẽ cập nhật và có thể tương tác hai chiều.
Dưa hấu là mặt hàng vừa được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch. Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vừa được ký kết hôm 13/12/2023
Tính đến giữa tháng 12/2023, có 14 loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào. Ngoài ra, Trung Quốc đã cho phép xuất khẩu biên mậu đối với 12 mặt hàng rau quả, sữa, 805 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản.
Thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với khoảng 11,5 tỷ USD trong 11 tháng của 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%.
Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trên thế giới (năm 2022); đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, nhu cầu tiêu dùng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng. Trong khi đó, thị phần của nông sản Việt Nam tại đây còn tương đối nhỏ, chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần rau quả của mình tại thị trường Trung Quốc.
Hiện các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Khi 6 mặt hàng này khi được xuất khẩu chính ngạch, sẽ tạo dư địa tăng trưởng doanh thu hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp.
Nguyễn My