Danh sách vũ khí yêu cầu của Ukraine khiến Mỹ choáng váng

Cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine theo danh sách mà Kiev mong muốn sẽ khiến Washington phải từ bỏ phần lớn kho vũ khí quân đội Mỹ.

Cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine theo danh sách mà Kiev mong muốn sẽ khiến Washington "phải từ bỏ phần lớn kho vũ khí quân đội Mỹ".

Ngày 13/6, Mikhail Podolyak, cố vấn chính của Tổng thống Volodymyr Zelensky, công bố một danh sách các loại vũ khí, tuyên bố là đủ để "đẩy Nga ra khỏi Ukraine".

Yêu cầu viện trợ quân sự mới của Ukraine về vũ khí do phương Tây sản xuất, theo nhiều hãng truyền thông, có thể khiến kho vũ khí khổng lồ của Mỹ có nguy cơ cạn kiệt.

Nhu cầu của chính quyền Kyiv thực sự vô cùng lớn. Bao gồm 1.000 pháo 155mm chuẩn NATO, 300 tổ hợp pháo phản lực – tên lửa, 500 xe tăng, 2.000 xe thiết giáp và 1.000 máy bay không người lái (UAV).

Hiện vẫn chưa rõ quân đội Ukraine cần những loại UAV và tăng thiết giáp nào để chiếm được ưu thế chiến trường, đẩy lùi cuộc tấn công của quân Nga.

Nhưng nếu thực hiện yêu cầu của chính quyền Ukraine đầy đủ, sẽ buộc Mỹ - quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu cho quân đội Ukraine trong cuộc xung đột - phải "giải giáp quân đội của mình". Đây là quan điểm được các phương tiện truyền thông phương Tây nhấn mạnh.

Chẳng hạn, số lượng các tổ hợp pháo phản lực MLRS chiếm đến một nửa kho vũ khí của Washington - The Guardian trích dẫn số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết.

Trong đó, lục quân Mỹ có khoảng 363 pháo phản lực - tên lửa bánh lốp HIMARS và 225 pháo phản lực bánh xích M270 MLRS, lính thủy đánh bộ Mỹ có 47 tổ hợp.

Theo the Guardian, yêu cầu về pháo 155mm sẽ khiến Mỹ cạn kiệt hoàn toàn kho vũ khí đang có trong biên chế. Bao gồm cả các vũ khí đang triển khai ở nước ngoài. Vì Lầu Năm Góc sẽ phải cung cấp gần như toàn bộ số pháo xe kéo hạng nhẹ M777.

Đáng chú ý, The Guardian không đề cập đến việc Mỹ còn dự trữ những hệ thống pháo kéo cũ hơn, có thể cung cấp cho Kiev.

The Guardian cho rằng, nhu cầu duy nhất có vẻ tương đối dễ dàng được đáp ứng là xe tăng. Do Quân đội Mỹ có khoảng 6.000 xe Abrams đang trong hoạt động chiến đấu và niêm cất.

Financial Times có cách tiếp cận khác giải thích cho đề nghị của Kiev. Theo đó, danh sách mong muốn của Podolyak là yêu cầu hoàn chỉnh của Ukraine, được đáp ứng một phần trong những viện trợ trước đây từ các nước phương Tây, chứ không phải là danh sách hoàn toàn mới.

Tờ báo này cũng thống kê số lượng phần cứng “được cam kết” , trích dẫn các số liệu từ chính phủ Ukraine và trang web Oryx, được cho là “trang thông tin tình báo nguồn mở có uy tín”.

Ngay cả khi áp dụng cách tiếp cận này, danh sách mong muốn của Podolyak có thể được đáp ứng một phần, với khoảng 270 xe tăng được “giao hoặc cam kết” viện trợ. Khoảng 250 pháo xe kéo và tự hành cỡ nòng 155mm được chuyển giao. Và khoảng 50 pháo phản lực cũ từ thời Liên Xô do một số quốc gia châu Âu cung cấp cũng được đưa vào danh sách.

Mặc dù vậy, số lượng các loại vũ khí mà Ukraine yêu cầu còn rất xa so với số đã bị Nga phá hủy từ đầu cuộc xung đột. Số lượng này cũng còn rất xa so với quy mô kho vũ khí của Nga có được từ Liên Xô cũ.

Thực tế cho thấy, ngay cả trong tình huống Mỹ và phương Tây cung cấp đầy đủ những vũ khí trang bị này, ngay cả không tính đến những hỏng hóc và khó khăn trong khai thác sử dụng, sửa chữa và hậu cần kỹ thuật... số lượng này cũng có thể bị xóa bỏ nhanh chóng trong vài tháng chiến tranh.

Mỹ và Anh, cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác, đã tích cực cung cấp cho Ukraine trước và trong xung đột các loại vũ khí trang thiết bị quân sự. Đồng thời dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp trong nhiều năm tới.

Nhưng với tốc độ phá hủy vũ khí, trang thiết bị quân sự mà Nga đang nhằm vào quân đội Ukraine, việc tiếp tục cung cấp vũ khí sẽ khiến cả Mỹ và châu Âu không còn khả năng phòng thủ trong chiến tranh thông thường.

Tin liên quan